Chia sẻ về băn khoăn này, Thạc sỹ - Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi mùa có một loại ngộ độc. Mùa Đông Xuân, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán ngộ độc rượu xảy ra rất nhiều.
Thực tế, ngộ độc rượu có hai loại ngộ độc rượu thực phẩm và ngộ độc cồn công nghiệp etanol. Đáng lo ngại nhất là ngộ độc rượu có cồn công nghiệp etanol và loại này đang có xu hướng tăng lên trong mấy năm trở lại đây, trong đó có nhiều trường hợp ngộ độc nặng, dẫn đến tử vong, hoặc để lại di chứng.
Theo Bác sỹ Nguyên, gần như ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc rượu phải vào cấp cứu và điều trị tại Trung tâm chống độc. Đa số các trường hợp bị ngộ độc rất nặng, có trường hợp tử vong. Về mặt dược lý, rượu là một loại thuốc ngủ. Khi lạm dụng rượu, chất etanol sẽ làm cho người uống rơi vào trạng thái lơ mơ, giảm khả năng phán xét, nhận định tình hình, điều phối các động tác. Vì thế đã uống nhiều rượu thì không thể lái xe, nếu cố tình lái xe, tai nạn giao thông xảy ra cũng là lẽ đương nhiên.
Bằng chứng là tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai và nhiều bệnh viện lớn khác, năm nào cũng quá tải bệnh nhân bị tai nạn giao thông trong dịp Tết. Trong đó, chủ yếu là các bệnh nhân bị tai nạn do uống rựou, hoặc là nạn nhân của rượu…
Trường hợp ngộ độc nhẹ, bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái mất tự chủ, rối loạn cảm giác…., nặng thì hạ thân nhiệu, rối loạn máu, nhiễm toan, suy thận… Nguy hiểm nhất là trường hợp các bệnh nhân là người trẻ tuổi, sống độc thân, hoặc ở phòng riêng… Sau khi uống say về nhà, chui vào phòng nằm li bì, hôm sau không dậy được, không muốn ăn rất dễ bị hạ đường huyết, hoặc tổn thương não mà người nhà không biết, đến lúc can thiệp thì đã quá muộn. Hiện nay trên thị trường rất nhiều người sử dụng thuốc giải rượu để giải rượu, thậm chí cho rằng uống sẽ không say, nhưng Bác sỹ Nguyên cho hay, thuốc giải rượu chỉ có tác dụng bù lại một số chất (đường, vitamin…) cho bệnh nhân, chứ không thể giúp giảm say, cũng như các tác dụng khác. Do đó, không nên lạm dụng các loại thuốc giải rượu vì dùng nhiều có thể gây nghiện và các tác hại khác.
Để hạn chế các tình trạng đáng tiếc có thể xảy ra của việc lạm dụng rượu, Bác sỹ Nguyên khuyến cáo, khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu (tình trạng lơ mơ, không tỉnh táo, nôn mửa…), nên để bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên (tốt nhất nằm nghiêng sang bên tay phải).
Trong trường hợp nặng, với các biểu hiện như: Ngáy không rõ ràng (ú ớ), thở yếu, ngừng thở, tím tái, chân tay lạnh… phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu để xử trí kịp thời, nếu không rất nguy hiểm đến tính mạng. Để phòng tránh tai nạn, Bác sỹ Nguyên nhắc nhở, tuyệt đối khi đã uống say không nên cho bệnh nhân lái xe. Bên cạnh đó cũng nên cảnh giác với các loại rượu trắng không nhãn mác, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, khi uống các loại rượu này rất nguy hiểm.
Thực tế, tại Trung tâm đã có không ít bệnh nhân bị ngộ độc nặng do uống các loại rượu tự nấu, thậm chí đã có trường hợp tử vong, nhẹ thì cũng để lại di chứng. Rượu thuốc cũng nên cảnh giác, chỉ nên uống các loại rượu chính thống, có đăng ký, thông tin rõ ràng và được cơ quan chức năng điểm định.
Về ngộ độc thực phẩm, Bác sỹ Nguyên lưu ý người tiêu dùng lưu ý không nên sử dụng các thức ăn lưu cữu lâu, không được bảo quản, hay mua tại các chợ tạm, chợ cóc, không có nguồn gốc rõ ràng. Thường các bệnh nhân bị ngộ độc vào viện có các triệu chứng nhẹ như đau bụng, nôn, tiêu chảy…, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời cũng rất nguy hiểm.
Trong số các bệnh nhân phải cấp cứu và nhập viện vì ngộ độc thực phẩm gần đây tại Trung tâm có cả các bệnh nhân bị ngộ độc do ăn phải mật cá trắm. Theo Bác sỹ Nguyên, mật cá trắm, cá chép rất độc, do đó người dân nên rất thận trọng khi sử dụng loại thực phẩm này.