Để không thành 'món hàng' mua bán người: Người trẻ kiến tạo thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), trong số 281 triệu người di cư quốc tế, khoảng 11,3% là người dưới 24 tuổi. Tại Việt Nam, có hơn 22 triệu người trẻ trong độ tuổi từ 16 đến 30 và nhiều bạn trẻ đã, đang cân nhắc việc rời khỏi quê hương để có cơ hội làm việc và học tập tốt hơn. Từ đó, tội phạm mua bán người có xu hướng lợi dụng các nền tảng trực tuyến để “giăng bẫy” lao động trẻ.
Đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, Cục An Ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo TƯ Đoàn TNCS HCM chia sẻ những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người.
Đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, Cục An Ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo TƯ Đoàn TNCS HCM chia sẻ những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người.

“Balo di cư” trang bị kiến thức, kỹ năng cho người có mong muốn di cư

Tham gia cuộc thi “Sáng kiến truyền thông của thanh niên thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người” do IOM và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, nhóm bạn trẻ nhiệt huyết Tôn Nữ Thiên Nga (Đại học Văn hóa Hà Nội), Nguyễn Mai Nhật Minh (Đại học Kinh tế TP HCM), Đặng Thị Hồng Thắm (Đại học Sài Gòn) đã cùng nhau sáng tạo, triển khai dự án phi lợi nhuận “Balo di cư” với mục tiêu nâng cao nhận thức về di cư an toàn và phòng, chống mua bán người, cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho những ai có mong muốn di cư.

Theo 3 bạn trẻ, với mục tiêu dự án hướng đến là đồng hành cùng bạn trên từng bước đường di cư, từ những thông tin cơ bản, hữu ích nhất về di cư cho đến các lời khuyên thiết thực để bạn có thể hòa nhập tốt với môi trường mới, nên đối tượng truyền thông của “Balo di cư” là mọi đối tượng. Kết quả sau một thời gian vận hành cho thấy có 75,1% nữ và 24,9% nam theo dõi Fanpage “Balo di cư”, trong đó độ tuổi 18 - 24 chiếm tỷ lệ nhiều nhất (ở đối tượng nam thì độ tuổi 25 - 34 chiếm phần trăm lớn nhất). Quảng Bình và Nghệ An là hai tỉnh nằm trong top 6 tỉnh, thành phố có số đối tượng tiếp cận nhiều nhất.

Hiệu quả truyền thông cho thấy, 3 sản phẩm truyền thông “Balo mách nhỏ” nhận được số lượt quan tâm nhiều nhất là: Balo mách nhỏ số 1 nhận được 31.143 tổng lượt tương tác (bài viết cung cấp kiến thức về những nguồn thông tin chính thống mà người di cư cần biết); Balo mách nhỏ số 7 nhận được 3.050 tổng lượt tương tác (bài viết cung cấp thông tin về những chiêu trò lừa đảo việc làm mà người lao động cần phải tránh); Balo mách nhỏ số 2 nhận được 1.880 tổng lượt tương tác (bài viết cung cấp thông tin về thủ tục, một số giấy tờ quan trọng mà bạn nên chú ý khi di cư).

Không dừng lại ở thông tin trên môi trường mạng, ngày 8/4/2024, dự án “Balo di cư” đã tổ chức thành công cuộc thi “Rung chuông vàng - Tìm hiểu kiến thức về di cư an toàn và phòng, chống mua bán người” tại Trường THPT Đào Duy Từ, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình với tổng 72 học sinh tham dự đến từ 16 lớp và 500 khán giả. “Balo di cư” là dự án thuộc top 6 sáng kiến xuất sắc nhất của cuộc thi “Sáng kiến truyền thông của thanh niên thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người” do IOM tại Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức trong khuôn khổ chiến dịch truyền thông “Nghĩ trước, bước sau” với sự tài trợ kinh phí từ Chính phủ Vương quốc Anh. Đặng Thị Hồng Thắm (Đại học Sài Gòn) đại diện cho 3 bạn trẻ cho biết, thực hiện dự án, nhóm mong muốn góp sức lực nhỏ bé của mình để chia sẻ các câu chuyện truyền cảm hứng, giúp người trẻ có thêm động lực và niềm tin trên con đường chinh phục ước mơ và tạo dựng một cộng đồng di cư cởi mở, thân thiện, các thành viên có thể kết nối, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương, tăng cường khả năng tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ của mua bán người.

Người kiến tạo sự thay đổi

Đấu tranh chống mua bán người cần được coi là ưu tiên trên toàn cầu. (Ảnh trong bài: Nguồn: IOM)

Đấu tranh chống mua bán người cần được coi là ưu tiên trên toàn cầu. (Ảnh trong bài: Nguồn: IOM)

Trước bối cảnh tội phạm mua bán người có xu hướng lợi dụng các nền tảng trực tuyến để “giăng bẫy” lao động trẻ, thì để người trẻ không rơi vào “bẫy” cần phải hỗ trợ để họ trở thành “người kiến tạo sự thay đổi” (changemaker). Với sự năng động, sáng tạo và nhanh nhạy với công nghệ, các bạn trẻ có khả năng phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm chống lại nạn mua bán người trong thời đại kỹ thuật số.

Ngày 2/8/2024 vừa qua, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người của Việt Nam, diễn ra từ ngày 1/7 đến ngày 30/9/2024, lần đầu tiên cuộc đối thoại giữa thanh niên và lãnh đạo về chủ đề phòng, chống mua bán người đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và IOM trong khuôn khổ hợp tác với Chính phủ Vương quốc Anh tổ chức. Hơn 200 sinh viên từ các trường đại học và cao đẳng tại Hà Nội và những gương mặt trẻ tài năng từ cuộc thi sáng kiến truyền thông của thanh niên thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người đã cùng tham gia đối thoại và cùng trao đổi với lãnh đạo từ các cơ quan Chính phủ, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp nhằm kêu gọi phối hợp hành động toàn diện để trao quyền cho thanh, thiếu niên đóng góp vào công cuộc phòng, chống mua bán người.

Bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn IOM Việt Nam cho biết, thế hệ thanh niên ngày nay phải đối mặt với thực tế có nhiều lợi hại đan xen trong cuộc chiến chống mua bán người. Với gần 2.4 tỷ thanh niên toàn cầu, đây là thế hệ lớn nhất trong lịch sử. Trong số 281 triệu người di cư quốc tế, khoảng 11,3% là người dưới 24 tuổi. Tại Việt Nam, có hơn 22 triệu người trẻ trong độ tuổi từ 16 đến 30 và nhiều bạn trẻ đã và đang cân nhắc việc rời khỏi quê hương để có cơ hội làm việc và học tập tốt hơn.

“Những kẻ mua bán người có xu hướng lợi dụng các nền tảng trực tuyến để “giăng bẫy” lao động trẻ, những người hoạt động sôi nổi trên không gian mạng. Tuy nhiên, chính những người trẻ cũng nắm giữ sức mạnh để kiến tạo thay đổi. Với sự năng động, sáng tạo và nhanh nhạy với công nghệ, các bạn trẻ có khả năng phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm chống lại nạn mua bán người trong thời đại kỹ thuật số. Do đó, việc đầu tư vào thế hệ trẻ sẽ khuyến khích các bạn hành động để bảo vệ bạn bè đồng trang lứa và phát huy triệt để tiềm năng để xây dựng một thế giới an toàn và kiên cường hơn”, theo bà Park Mi-Hyung.

Cùng quan điểm, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis nhấn mạnh: “Trong nỗ lực hợp tác chặt chẽ để giải quyết hiệu quả những thách thức do mua bán người gây ra, chúng ta cần tạo điều kiện để thanh, thiếu niên trực tiếp tham gia xây dựng thông điệp vận động cho các chiến dịch phòng, chống mua bán người. Chúng ta cần hành động ngay bây giờ để tạo ra một môi trường cởi mở hơn nữa cho các hoạt động truyền thông, vận động do thanh, thiếu niên dẫn đầu nhằm thúc đẩy thay đổi hành vi, đồng thời hỗ trợ người trẻ phát huy hết tiềm năng của mình”.

Có thể nói, dù đã có nhiều nỗ lực để giải quyết, song vấn nạn mua bán người, đặc biệt là mua bán trẻ em vẫn hoành hành do các yếu tố xã hội, kinh tế, môi trường và chính trị bất ổn dẫn đến các hành vi bóc lột và phân biệt đối xử. Đấu tranh chống mua bán người cần được coi là ưu tiên trên toàn cầu, đồng thời cân nhắc các biện pháp phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia và với sự giao thoa phức tạp của các yếu tố cá nhân, cộng đồng và xã hội.

Bà Park Mi-Hyung, Trưởng Phái đoàn IOM Việt Nam nhận định, những nỗ lực chỉ đạo của Việt Nam nhằm thúc đẩy hiệu quả di cư an toàn và phòng, chống mua bán người, đặc biệt là nỗ lực của Chính phủ trong công tác hoàn thiện Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi năm 2011, là những cột mốc đáng chú ý và thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh với loại tội phạm này. Việc sửa đổi luật sẽ đặt nền tảng vững chắc hơn để giải quyết các xu hướng ngày càng phức tạp của nạn mua bán người vốn đang trở nên phức tạp hơn do những thách thức về kinh tế - xã hội.

Theo IOM, trên thế giới, trung bình cứ 3 nạn nhân của mua bán người thì có 1 nạn nhân là trẻ em - ở một số khu vực, tỷ lệ này còn cao hơn rất nhiều và nạn nhân là trẻ em có nguy cơ phải đối mặt với bạo lực cao hơn gấp đôi so với người trưởng thành. Nghiên cứu của IOM chỉ ra rằng không có nhóm tuổi, giới tính hay quốc tịch nào miễn nhiễm với nguy cơ bị mua bán. Hơn 50% các trường hợp mua bán trẻ em có sự tham gia của các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè. Những kẻ mua bán người cũng đang tận dụng triệt để các nền tảng trực tuyến không ngừng phát triển để dễ dàng tiếp cận trẻ em.

Đọc thêm