Để Lai Châu thực sự khẳng định “viên ngọc” trên bản đồ du lịch Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để Lai Châu thực sự trở thành “viên ngọc” du lịch Tây Bắc, theo các chuyên gia đã tới lúc Lai Châu nên thay đổi tư duy, thay đổi chiến lược, hành động để tạo ra được những cảm xúc mới, cảm xúc riêng có cho du khách khi đến Lai Châu. Để vùng đất này thực sự định vị được “thương hiệu điểm đến” riêng của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam cũng như bản đồ du lịch quốc tế.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm “Đánh giá khả năng khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh Lai Châu” diễn ra ngày 5/11, tại Lai Châu. (Ảnh:PV)
Toàn cảnh buổi Tọa đàm “Đánh giá khả năng khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh Lai Châu” diễn ra ngày 5/11, tại Lai Châu. (Ảnh:PV)

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Trong khuôn khổ “Ngày hội văn hóa các dân tộc dưới 10.000 người lần thứ I và Tuần du lịch –văn hóa Lai Châu 2023”, ngày 5/11 UBND tỉnh Lai Châu đã phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức tọa đàm “Đánh giá khả năng khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh Lai Châu”.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phát biểu tại buổi Tọa đàm. (Ảnh:PV)

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phát biểu tại buổi Tọa đàm. (Ảnh:PV)

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc, giữ vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh gắn với lịch sử truyền thống giữ nước của dân tộc.

Bên cạnh đó, Lai Châu còn có một “kho tàng” tài nguyên du lịch đồ sộ và đặc sắc, đầy tiềm năng để phát triển du lịch trở thành một trong những trọng điểm của vùng Tây Bắc với 20 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 90% là dân tộc thiểu số với những nét văn hóa riêng biệt, đặc sắc. Cảnh quan thiên nhiên của Lai Châu mang nhiều sắc thái đặc trưng của rừng núi vùng cao, nhưng đồng thời cũng mang nhiều dấu ấn đậm nét thể hiện sức người cải tạo thiên nhiên qua các vùng chè, vùng rừng trồng cây công nghiệp...

Thời gian qua, nhận thức rõ về tiềm năng, dư địa phát triển du lịch của địa phương, cơ quan quản lý đã chủ động triển khai nhiều hoạt động và huy động sức mạnh liên kết phối hợp giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, xúc tiến, quảng bá, du lịch Lai Châu đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp ngày càng nhiều để phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, du lịch Lai Châu còn một số tồn tại. Đó là việc khai thác các sản phẩm du lịch vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có, chưa bao hàm nhiều giá trị gia tăng và tính chuyên nghiệp nên hiệu quả kinh tế, xã hội từ hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng.

Ông Tống Thanh Hải, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu (Ảnh:PV)

Ông Tống Thanh Hải, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu (Ảnh:PV)

Thừa nhận những điểm hạn chế trong phát triển du lịch tại Lai Châu, ông Tống Thanh Hải, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Du lịch Lai Châu hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Nhiều chuyên gia đánh giá thực trạng du lịch của Lai Châu hiện nay là “Thừa tiềm năng, thiếu thông tin, ít sản phẩm”.

Thực tế, lượng khách du lịch hàng năm đến Lai Châu chưa nhiều, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch còn thấp so với cả nước, chưa thu hút được thị trường khách du lịch cao cấp; Sản phẩm du lịch chưa phong phú, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; Cơ sở vật chất còn hạn chế, tính liên kết vùng trong phát triển du lịch chưa cao; Việc xây dựng sản phẩm lịch đặc trưng và hoạt động xúc tiến, quảng bá thu hút đầu tư chưa hiệu quả.

Nhận thức được những hạn chế trên, ông Tống Thanh Hải cho biết, tỉnh Lai Châu đang nỗ lực cải thiện và xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. “Du lịch Lai Châu đặt mục tiêu phấn đấu sớm đưa “Lai Châu trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở khu vực Tây Bắc”, là điểm nhấn của du khách trên hành trình khám phá Tây Bắc; xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng, có thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam”, ông Tống Thanh Hải khẳng định.

Chia sẻ góc nhìn của nhà đầu tư về du lịch Lai Châu, Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch TravelLogy cho biết, hiếm có một tỉnh thành nào hội tụ tất cả chuỗi hệ sinh thái du lịch từ du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng đến phát triển du lịch bền vững và du lịch bảo vệ môi trường như Lai Châu. Lai Châu có rất nhiều các đề án để khai thác cũng như phát triển thị trường du lịch đầy tiềm năng này. Tuy nhiên, ở thời điểm này Lai Châu chưa định vị được rõ “thương hiệu điểm đến” của mình.

“Tất cả các kênh chuỗi cung ứng về du lịch của Lai Châu dường như bị đứt gãy và chưa được khớp từ hệ thống về giao thông, khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là nhân sự hoạt động trong lĩnh vực du lịch vẫn chưa đáp ứng được” – ông Vũ Văn Tuyên đánh giá.

Để Lai Châu thực sự là “viên ngọc” của du lịch Tây Bắc

Để du lịch Lai Châu phát triển nhanh và bền vững theo ông Nguyễn Mạnh Thản – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, tỉnh cần có chiến lược và sự đầu tư bài bản cho phát triển du lịch, phát triển các doanh nghiệp du lịch, phát triển hạ tầng cơ sở, xây dựng hành lang tốt để thu hút nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Mạnh Thản – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội chia sẻ tại buổi Tọa đàm (Ảnh:PV)

Ông Nguyễn Mạnh Thản – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội chia sẻ tại buổi Tọa đàm (Ảnh:PV)

“Du lịch muốn phát triển phải phụ thuộc vào các yếu tố như: khách hàng, sản phẩm du lịch, môi trường đầu tư... Để có thể thu hút được các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ chế chính sách và các thủ tục hành chính phải thông thoáng, gọn nhẹ...” – ông Thản nhìn nhận.

Cũng theo ông Thản, Lai Châu là một vùng đất có tiềm năng thiên nhiên và văn hóa rất lớn, vì vậy cần tập trung vào phát triển du lịch cộng đồng, cần phải hướng dẫn bà con cách làm du lịch. Ngoài ra, cần tập trung vào ẩm thực cổ truyền đặc sắc của Lai Châu bởi ẩm thực là một yếu tố rất quan trọng để lưu giữ du khách khi tới nơi đây.

Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển du lịch sức khỏe; Tập trung vào du lịch trải nghiệm với nhiều hạng mục và sản phẩm du lịch. “Thêm vào đó, Lai Châu có lợi thế đường biên, vậy tại sao không phát triển chợ đường biên, kết hợp với các tỉnh bạn để thu hút khách hàng” – ông Thản nói.

Đối với các doanh nghiệp, theo ông Thản, các doanh nghiệp cần phải tăng tính kiên nhẫn để xây dựng mục tiêu dài hơi hơn, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, thái độ phục vụ tốt. Cũng như tăng tính cạnh tranh lành mạnh, hợp tác với các doanh nghiệp khác. “Ở Lai Châu nên có một liên kết hợp tác với Lào Cai và Điện Biên... để họ có thể cung cấp nguồn khách du lịch cho mình” – ông Thản cho hay.

Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch TravelLogy (Ảnh:PV).

Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch TravelLogy (Ảnh:PV).

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch TravelLogy cho rằng, để du lịch Lai Châu sớm là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam cũng như thế giới, cần sớm định vị và xây dựng thương hiệu điểm đến của Lai Châu. Đồng thời, xây dựng phân khúc thị trường và xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp cũng như có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành đến với Lai Châu.

Đồng quan điểm, ông Lê Hòa Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Hi Travel (Thành phố Hồ Minh) cho rằng, Lai Châu nên chú trọng thêm vào du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với phát triển vùng sâm Lai Châu; định hướng khách hàng theo hướng nghỉ dưỡng và trị bệnh hoặc thưởng thức các món ăn bổ dưỡng; không nên chú trọng riêng về du lịch tham quan, tự nhiên.

Mặt khác, theo ông Lê Hòa Hiệp, Lai Châu nên đặc biệt chú trọng vào du lịch cộng đồng đây là nét riêng biệt để thu hút du khách.

Bổ sung ý kiến đóng góp, bà Trần Thị Ngân Giang – Giám đốc Công ty Newstar Travel cho rằng, trong việc phát triển du lịch cộng đồng tại Lai Châu, cần xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng để cho tất cả người dân trong các bản, làng đều được tham gia vào hoạt động du lịch để mọi nhà đều có các sản phẩm du lịch của mình, có như vậy họ sẽ cảm thấy có giá trị và muốn phát triển du lịch cộng đồng.

Đọc thêm