Để mỗi hướng dẫn viên là một “đại sứ” du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh" của một số hướng dẫn viên du lịch hành xử không chuẩn mực, cung cấp kiến thức sai lệch về văn hóa, lịch sử, việc chấn chỉnh, nâng cao nghiệp vụ của hướng dẫn viên là rất cần làm, góp phần giúp du lịch Việt bước qua những rào cản và bứt phá.
Hang Pygmy, một điểm đến trong tour du lịch mạo hiểm ở Quảng Bình. (nguồn: Đơn vị du lịch Jungle Boss)
Hang Pygmy, một điểm đến trong tour du lịch mạo hiểm ở Quảng Bình. (nguồn: Đơn vị du lịch Jungle Boss)

Vừa qua, giới du lịch đã “dậy sóng” trước việc một nữ du khách tố cáo hướng dẫn viên (HDV) một công ty du lịch chuyên tổ chức tour ở Quảng Bình có hành vi “quấy rối”. Theo nữ du khách, trong khi chị tham gia tour mạo hiểm khám phá hang Pygmy ở vùng di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, nam HDV của đoàn đã tiếp cận, bày tỏ tình cảm và có những hành xử vượt quá giới hạn với chị dù bản thân đã có gia đình. Khi nữ du khách trở về lều ngủ, nam HDV nói trên đã 3 lần tự ý kéo khóa lều của chị để xin vào cùng và bị nữ du khách phản ứng quyết liệt. Sáng hôm sau, nữ du khách đã thông báo sự việc đến ban tổ chức chương trình du lịch.

Đại diện công ty tổ chức tour mới đây đã lên tiếng xác nhận sự việc. Theo phát ngôn từ đơn vị này, sau khi nhận được phản ánh của nữ du khách, công ty đã tiến hành xác minh và bản thân nam HDV bị tố trong câu chuyện đã thừa nhận hành vi sai trái của mình. Công ty đã gửi lời xin lỗi, bồi thường thiệt hại về tinh thần cho nữ du khách, đồng thời tiến hành kỉ luật bằng cách sa thải đối với HDV trên. Về phần mình, công ty du lịch cũng coi đây là một bài học lớn, đưa ra cam kết sẽ tiếp tục đào tạo kỹ năng, quản lý HDV và các vị trí nhân viên, người lao động sát sao để bảo đảm không có sự việc đáng tiếc xảy ra với khách hàng.

Đây không phải trường hợp đầu tiên HDV có hành vi quấy rối, tấn công du khách. Từng có HDV một công ty du lịch “sàm sỡ” khách, bị khách tố cáo. Ngoài những hành vi “động tay, động chân”, hành vi quấy rối bằng ngôn ngữ cũng thường xuyên diễn ra trong những hành trình HDV theo sát đoàn du lịch. Chị Nguyễn Thị Bảo Vi, nhân viên một công ty bảo hiểm ở quận 1, TP HCM chia sẻ trải nghiệm không đẹp khi tham gia tour du lịch miền Bắc: “Trong toàn bộ chuyến tham quan, HDV liên tục kể những câu chuyện hài hước liên quan đến chuyện nam nữ, nhiều câu chuyện rất sống sượng. Chỉ có một số người cười hưởng ứng, còn chị em phụ nữ trong đoàn cảm thấy ngượng ngùng và khó chịu”.

Chuyện HDV kể chuyện “mặn” nhằm pha trò trong chuyến tham quan là không hiếm và cũng không ít du khách, nhất là du khách nữ, phản ứng về điều này.

Thêm một hiện tượng nữa là HDV “ẩu”, tức không trang bị đầy đủ, kĩ càng về kiến thức, dẫn đến khi trả lời khách chỉ qua loa, thậm chí sai kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hóa dân tộc. Còn có hiện tượng HDV cung cấp kiến thức kiểu “robot”, phát kiến thức “như một cái máy” không có sự truyền cảm... Thậm chí, có hiện tượng HDV cung cấp kiến thức “thật giả lẫn lộn”, nói những câu chuyện ngoài lề, chuyện truyền miệng không kiểm chứng nhưng khiến du khách hiểu lầm là kiến thức chính thống.

Thực tế đại đa số HDV vẫn là những người tâm huyết, luôn nỗ lực nâng cao kiến thức, kĩ năng diễn đạt, tìm hiểu sâu về di tích văn hóa lịch sử hay danh lam thắng cảnh, làng nghề... để cung cấp kiến thức đầy đủ, nhanh chóng cho du khách. Tuy nhiên, với tiềm năng du lịch lớn, các tour mở đông, lực lượng HDV nhiều từ các công ty du lịch quy mô lớn, nhỏ cho tới HDV tự do, không tránh khỏi có những “hạt sạn”. Vì vậy, hiện tượng HDV “lôm côm”, hành xử lệch lạc, thiếu kĩ năng, thiếu kiến thức... vẫn đang là một thực trạng đáng buồn gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của du lịch Việt Nam.

Để mỗi HDV là một “đại sứ” du lịch, thiết nghĩ cần sự chấn chỉnh mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng, đồng thời cũng cần thêm nhiều chương trình đào tạo, nâng cao kĩ năng, chất lượng phục vụ của HDV.

Đọc thêm