Để nâng cao bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cũng như các nỗ lực nhằm tăng cường sự tham gia lãnh đạo chính trị của phụ nữ. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (tháng 6 năm 2023), Việt Nam đã tăng 11 bậc...

Quyền bình đẳng là một quyền cơ bản của con người. Đó là quyền được xác lập tư cách con người trước pháp luật; không bị pháp luật phân biệt đối xử, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau.

Ở Việt Nam, quyền con người nói chung, quyền của nữ giới và bình đẳng giới đã được Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam ta tôn trọng từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và quan điểm này tiếp tục được khẳng định trong Cương lĩnh thông qua Đại hội XI và trong Hiến pháp 2013. Cũng cần nói thêm rằng, hệ thống chính sách và luật pháp Việt Nam cho thấy Nhà nước ta nội luật hóa “Công ước xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử đối với nữ giới” (CEDAW) một cách toàn diện. Về thực chất có thể nói khái niệm bình đẳng giới trong chế độ ta chủ yếu là nhằm nâng cao vai trò, vị trí của nữ giới trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống (chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa…) và trong các môi trường (xã hội và gia đình).

Đảng đã ban hành những nghị quyết quan trọng về công tác phụ nữ, như Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với quan điểm "Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới"; và mục tiêu: "Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực". Sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11, ngày 20/01/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 21 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, tiếp tục giữ nguyên những mục tiêu đã đặt ra, thể hiện quyết tâm cao của Đảng, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng trong thực hiện Nghị quyết.

Một trong những nội dung của bình đẳng giới là sự bình đẳng trong lĩnh vực chính trị, cụ thể: Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội; trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức; trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cũng như các nỗ lực nhằm tăng cường sự tham gia lãnh đạo chính trị của phụ nữ. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (tháng 6 năm 2023), Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022, từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia bảng xếp hạng. Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam xếp từ thứ hạng 106 năm 2022 lên thứ hạng 89 năm 2023 (tăng 27 bậc). Trong các cơ quan dân cử, tỉ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh/thành phố và huyện đạt 29%, Cấp cơ sở đạt 28,98% (cao hơn 2,39% so với nhiệm kỳ trước)…

Nhìn chung, nhiệm kỳ 2021-2026 đã có sự tăng tỉ lệ nữ đại biểu trong HĐND các cấp, tuy bình quân chung chưa đạt tỷ lệ 30% như mong muốn nhưng ở khá nhiều địa phương, số lượng nữ đại biểu HĐND đã tăng so với nhiệm kỳ trước. Đó là kết quả ấn tượng về phụ nữ tham chính đáng ghi nhận.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tích ấn tượng về tỷ lệ phụ nữ tham gia các cơ quan dân cử và lãnh đạo, quản lý. Nhưng có nhiều rào cản, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nữ chưa đạt trong các cơ quan dân cử các cấp, với những nguyên nhân chủ quan và khách quan, bao gồm: sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền; công tác tổ chức nhân sự/đào tạo nguồn; qui trình và cách thức bố trí ứng viên ở các đơn vị bầu cử; sự thiếu tự tin của nữ giới và tâm lý “níu áo nhau” của phụ nữ.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo nữ và bảo đảm tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử trong nhiệm kỳ tới đạt được chỉ tiêu như Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XII) đã xác định rõ mục tiêu đến 2030 là “phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp uỷ và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp uỷ viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%”, theo chúng tôi, cần quan tâm đến mấy điểm sau đây:

Một là, trong khuôn khổ chính sách của Đảng, các văn kiện đại hội, nghị quyết của BCH Trung ương, cần đặt công tác phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong tổng thể chung của công tác bình đẳng giới. Để có thể cụ thể hóa các chủ trương về công tác cán bộ nữ, bảo đảm bình đẳng giới, các văn bản hướng dẫn cần có các nội dung chi tiết hơn về quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, xây dựng hệ thống các chỉ tiêu về nữ để bảo đảm bình đẳng giới.

Hai là, tăng cường vai trò của các cấp ủy đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong giới thiệu người ứng cử là nữ, phối hợp với hội Phụ nữ, Công đoàn… để giới thiệu những phụ nữ tiêu biểu, đáp ứng đủ điều kiện để ứng cử đại biểu Quốc hội và các cơ quan dân cử các cấp.

Ba là, tuyên truyền sâu rộng trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Việc tham gia của phụ nữ sẽ góp phần xây dựng chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần phát triển và tiến bộ xã hội, vì một đất nước phát triển toàn diện và bền vững.

Bốn là, trên cơ sở bài học kinh nghiệm thành công của kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN Việt Nam cần tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực phát hiện, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các ngành; tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đề xuất chính sách cho cán bộ nữ, tạo nguồn phát triển và qui hoạch cán bộ nữ...

Năm là, quá trình tổ chức bầu cử, cần bảo đảm tỉ lệ nam, nữ ứng cử trong danh sách tại các đơn vị bầu cử tương đương về trình độ, vị trí, chức danh, tạo cạnh tranh công bằng trong bầu cử.

Sáu là, tăng cường truyền thông về bình đẳng giới, về năng lực và vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý. Các kênh truyền thông cần có những nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng (cán bộ lãnh đạo, quản lý; người dân nói chung và nam giới nói riêng). Đặc biệt cần truyền thông để gia đình đồng tình, ủng hộ, chia sẻ với phụ nữ tham gia các cơ quan dân cử; đảm nhận các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Bảy là, để bình đẳng trong quy trình bầu cử và đạt được tỷ lệ nữ đại biểu trong các cơ quan dân cử thì bản thân phụ nữ phải nâng cao năng lực cũng như phát huy nội lực của mình. Cần nhận thức đầy đủ về vai trò của mình trong tham chính. Phụ nữ cần nỗ lực, chủ động nắm bắt cơ hội đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nâng cao năng lực bản thân về chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin để sáng tạo, cải tiến công việc. Phụ nữ cần tự tin, khẳng định mình, sẵn sàng và dám nhận nhiệm vụ, vượt khó để tiến bộ. Đồng thời, phụ nữ biết cân bằng giữa công việc và gia đình; tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Các nữ ứng cử viên phải không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn, hiểu biết đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng vận động, lắng nghe nhân dân, chuẩn bị tâm thế để hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.

Đọc thêm