Cách đây hơn 4 năm – ngày 19/6/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quy chế phân công, phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị sự nghiệp của Bộ Tư pháp (kèm theo Quyết định số 1503/QĐ-BTP). Nhưng qua thời gian đầu triển khai, Quy chế 1503 đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp dẫn đến việc thực hiện còn có khó khăn, vướng mắc nhất định.
Phê duyệt 82 vị trí việc làm
Quy chế 1503 đã tạo ra một hành lang pháp lý tương đối rõ ràng, minh bạch trong việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Lãnh đạo Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp thuộc Cục trong quản lý, sử dụng công chức, viên chức và người lao động, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị, đẩy nhanh tiến độ trong việc thực hiện các quy trình, trình tự, thủ tục liên quan đến công tác cán bộ. Việc tổ chức triển khai Quy chế đã được tiến hành đồng bộ tại tất cả các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, thuộc Cục thuộc Bộ và đạt được nhiều kết quả tốt.
Cụ thể, trong quản lý vị trí việc làm, cơ cấu công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, số lượng người làm việc, Bộ Tư pháp đã phê duyệt 82 vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ - có chức danh nghề nghiệp và hạng của chức danh nghề nghiệp tối thiểu tương ứng với từng vị trí việc làm. Hay trong tuyển dụng, ký hợp đồng làm việc, bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức, Bộ và các đơn vị sự nghiệp được phân cấp đã tổ chức 32 kỳ thi tuyển dụng viên chức với tổng số 329 viên chức được tuyển vào công tác.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Vụ Tổ chức cán bộ, mặc dù đã được nghiên cứu, xây dựng rất công phu, chi tiết, khoa học, bám sát, cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ song còn có những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Quy chế 1503. Chẳng hạn như việc quản lý vị trí việc làm, cơ cấu công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, số lượng người làm việc tại một số đơn vị chưa tốt dẫn đến mất cân đối giữa viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và viên chức hỗ trợ phục vụ. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho viên chức chuyển công tác tại một số đơn vị chưa đúng quy định và phân cấp quản lý của Bộ (có đơn vị bổ nhiệm cấp phòng chưa xin chủ trương bổ nhiệm, chậm bổ nhiệm lại theo quy định, quyết định cho viên chức chuyển công tác khi chưa được Bộ nhất trí)…
Phân cấp triệt để trong công tác đào tạo, bồi dưỡng
Hiện nay, Bộ Tư pháp có 22 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 13 đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và 9 đơn vị sự nghiệp thuộc Cục, Tổng cục thuộc Bộ. Trong tiến trình cải cách hành chính của nước ta thì việc phân công, phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là nội dung quan trọng và có vị trí hết sức to lớn.
Vì vậy, để tiếp tục đổi mới cơ chế phân công, phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, đại diện Vụ Pháp luật hình sự hành chính đề nghị nghiên cứu làm rõ mối quan hệ giữa phân công, phân cấp trong quản lý đội ngũ cán bộ của đơn vị sự nghiệp với cơ chế tự chủ về nhân sự của các đơn vị này cũng như tiến hành đánh giá, phân loại các đơn vị tự chủ về tài chính tại Nghị định số 141/2016/NĐ-CP. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa nội dung phân cấp theo hướng giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quyền chủ động và quyết định vị trí việc làm gắn liền với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức của đơn vị mình; phân cấp triệt để việc xây dựng nội dung, chương trình, cách thức tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, phù hợp với tiêu chuẩn, yêu cầu của từng chức danh và vị trí việc làm.
Cũng nhận thấy những bất cập của Quy chế 1503, Trường Đại học Luật Hà Nội tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Quy chế để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật. Quy chế tới đây cần tính đến chính sách đẩy mạnh tự chủ đại học; tiếp tục nghiên cứu phân cấp mạnh hơn cho Trường trong quản lý cán bộ từ đào tạo, bồi dưỡng đến cử người đi công tác, học tập ở nước ngoài.
Là đơn vị sự nghiệp hoạt động về báo chí, trong thời đại công nghệ 4.0, Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục phân công, phân cấp cho Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp thực hiện các nội dung quản lý viên chức tại Điều 3 và Điều 11 Quy chế 1503; giao Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp thực hiện việc cho phép viên chức là phóng viên đi công tác nước ngoài theo lời mời của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp để thông tin các vấn đề có liên quan. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cần quy định cụ thể hơn để các đơn vị sự nghiệp được ký kết hợp đồng lao động như doanh nghiệp với người lao động nhằm chủ động về nguồn nhân lực trong ngắn hạn và dài hạn, phục vụ cho công tác của đơn vị trong từng thời kỳ…