Đây là những đánh giá tích cực về vai trò của Luật năm 2008 đối với việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quốc tịch được các đại biểu đồng tình tại Hội nghị tổng kết Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (24/11).
Giải quyết hàng chục nghìn hồ sơ về quốc tịch
Theo báo cáo tổng kết của các địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là CQĐD), từ ngày 1/7/2009 đến ngày 31/3/2017, Chủ tịch nước đã quyết định cho phép 5.025 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam, 71 trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam, 62.315 trường hợp được thôi quốc tịch Việt Nam. Trong số này, số hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam tập trung đông ở địa bàn Đức, Đài Loan, Hàn Quốc, Na Uy, Nhật Bản – những nước theo nguyên tắc một quốc tịch; hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam tập trung ở địa bàn Đài Loan, Cộng hòa Séc.
Việc nhập quốc tịch Việt Nam chủ yếu được giải quyết cho người không quốc tịch cư trú ổn định tại Việt Nam, còn công dân nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam thì rất ít (chủ yếu là người có vợ/chồng là công dân Việt Nam và còn lại là vận động viên thể thao nhập tịch để thi đấu cho các câu lạc bộ trong nước).
Quy định tại Điều 22 Luật năm 2008 đã tạo cơ sở pháp lý giải quyết việc nhập quốc tịch Việt Nam cho hàng nghìn người không quốc tịch đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên, góp phần quan trọng vào việc giải quyết tồn đọng mang tính lịch sử về tình trạng người không quốc tịch ở nước ta. Bên cạnh đó, các Sở Tư pháp trong cả nước và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã cấp 15.058 Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam; 1.398 Giấy xác nhận gốc Việt Nam cho người có yêu cầu. Đối với những người di cư tự do từ các nước có chung đường biên giới với Việt Nam mà chưa đủ điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam theo Điều 22 hay theo thủ tục thông thường thì cũng được áp dụng Luật Quốc tịch năm 2008 để giải quyết theo thủ tục đơn giản.
Giấy tờ đã cấp trước khi được thôi quốc tịch không bị thu giữ
Đánh giá hơn 8 năm thực hiện Luật năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh điểm lại một số kết quả nổi bật đã đạt được. Đáng chú ý là nguyên tắc một quốc tịch theo hướng “mềm dẻo” đã tạo sự linh hoạt cần thiết cho việc giải quyết các vấn đề về quốc tịch Việt Nam, phần nào đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn giữ quốc tịch Việt Nam khi đã có quốc tịch nước ngoài cũng như một số người nước ngoài được giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam.
Có điều, thực tế cho thấy, nhiều người đã thôi quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn giữ giấy tờ được cấp trước đó (như Chứng minh nhân dân, Giấy khai sinh ghi quốc tịch Việt Nam, Sổ Hộ khẩu...) hay một số người nước ngoài tuy chưa được nhập tịch Việt Nam song đã được đăng ký thường trú, được cấp Chứng minh nhân dân, thậm chí cả Thẻ cử tri. Thực tế đó có thể tạo tiền lệ xuất hiện tình trạng chứng minh quốc tịch Việt Nam bằng giấy tờ giả mạo. Lo ngại về vấn đề trên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) Trần Văn Dự cũng phản ánh tình trạng có thể lạm dụng giấy tờ đã được cấp khi một người đã thôi quốc tịch Việt Nam và chỉ ra nguyên nhân là chưa có quy định về cơ quan nào có thẩm quyền thu giữ những giấy tờ này.
Trăn trở và chia sẻ với các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực quốc tịch, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng, đã trở thành nước có thu nhập trung bình, là điểm đến hấp dẫn thu hút người nước ngoài đến đầu tư, sinh sống. Thứ trưởng Ngọc quan niệm, quốc tịch là vấn đề mà từ đó một cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình, đồng thời quyền có quốc tịch là quyền được pháp luật quốc tế ghi nhận. Bởi thế, Thứ trưởng nhận thấy Luật năm 2008 đã đi vào cuộc sống, đồng thời thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần hoàn thiện để đảm bảo triển khai các quy định của Luật được thống nhất, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển đất nước bền vững, giữ vững an toàn, an ninh quốc gia.
Nhân Hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 8 tập thể và 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 từ năm 2009 - 2017.
* Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chủ tịch nước) Nguyễn Việt Đức:
Giảm bớt đầu mối cơ quan tham gia giải quyết hồ sơ về quốc tịch
Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 ra đời đã tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc trong giải quyết các việc về quốc tịch mà trước đây còn tồn tại. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc giải quyết hồ sơ xin nhập, xin thôi, xin trở lại quốc tịch Việt Nam còn nhiều bất cập, hạn chế, thời gian giải quyết thường chậm trễ so với quy định.
Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có quy trình giải quyết hồ sơ xin nhập, xin thôi, xin trở lại quốc tịch còn bất cập, có quá nhiều cơ quan tham gia giải quyết nên mất rất nhiều thời gian cho việc chuyển hồ sơ từ cơ quan này tới cơ quan khác, trong khi việc phân định trách nhiệm, quyền hạn chưa cụ thể, thiếu cơ chế phối hợp… Để khắc phục bất cập trên, chúng tôi kiến nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản, hiện đại trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu quy định cụ thể các cơ quan tham gia giải quyết hồ sơ theo hướng tinh gọn, giảm bớt đầu mối, nhất là các cơ quan chỉ thực hiện việc trung chuyển…
* Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Phạm Hoàng Tùng:
Cần hướng dẫn thống nhất việc lựa chọn quốc tịch của trẻ em
Đối với trẻ em, quyền được khai sinh và có quốc tịch là một quyền cơ bản đã được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Một công tác lãnh sự quan trọng tại CQĐD là việc xác định quốc tịch và cấp giấy tờ cho trẻ em có quốc tịch Việt Nam sinh ra tại nước ngoài. Qua theo dõi, thống kê, về cơ bản, các CQĐD đều thực hiện việc cấp giấy tờ cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, CQĐD gặp khó khăn nhất định về giới hạn độ tuổi của trẻ em thuộc diện được lựa chọn quốc tịch Việt Nam khi làm thủ tục ghi vào sổ việc đăng ký khai sinh ở cơ quan hộ tịch nước ngoài… Vì vậy, cần quy định, hướng dẫn thống nhất việc lựa chọn quốc tịch của trẻ em, xác định rõ độ tuổi của trẻ em thuộc diện được lựa chọn có quốc tịch Việt Nam trên cơ sở tham khảo Công ước về quyền trẻ em năm 1989 mà Việt Nam là thành viên và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
* Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vũ:
Thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch cần thuận lợi hơn cho kiều bào
Thành phố xác định giải quyết các việc về quốc tịch là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội, tạo điều kiện cho người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, phát triển kinh tế. Song về thẩm quyền, Sở Tư pháp chỉ được tiếp nhận giải quyết đối với những trường hợp người yêu cầu được thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam nên để thực hiện quy định, Sở buộc người yêu cầu phải làm thủ tục xin cấp thẻ tạm trú (dành cho người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài).
Điều này gây khó khăn cho người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm thủ tục xin cấp Giấy xác nhận có quốc tịch, xác nhận là người gốc Việt Nam để giải quyết các thủ tục về đầu tư, giao dịch dân sự như thừa kế di sản, sở hữu nhà tại Việt Nam. Do đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch, đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho bà con là người Việt Nam ở nước ngoài về nước giải quyết các nhu cầu chính đáng.
* Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang Bùi Văn Biết:
Đề xuất có quy định riêng về thủ tục xác nhận có quốc tịch Việt Nam với người di cư tự do từ Campuchia
Có nói nói An Giang là một trong những địa bàn đa dạng, phức tạp, nhất là các huyện biên giới, người dân thường xuyên di cư qua lại biên giới giữa Việt Nam và Campuchia bằng đường bộ, đường thủy, ít đi bằng đường cửa khẩu để thăm thân nhân, mua bán, sinh sống. Đặc biệt, đa số họ không có bất cứ loại giấy tờ nào chứng minh có quốc tịch Việt Nam hay quốc tịch Campuchia, đồng thời họ cũng không quan tâm đến việc đăng ký tạm trú, tạm vắng tại cơ quan có thẩm quyền nên rất khó trong việc quản lý về hộ tịch, quốc tịch và cư trú.
Hiện nay, tình hình người dân tại Campuchia di cư tự do về Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng. Qua kết quả rà soát thực tế ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, số người di cư tự do từ Campuchia về tỉnh An giang khoảng 4.000 người. Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, lập danh sách và đến từng hộ dân di cư tự do từ Campuchia về để hướng dẫn điền thông tin cá nhân vào phiếu. Tuy nhiên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình giải quyết hồ sơ cho công dân, cần có quy định riêng về thủ tục xác nhận có quốc tịch Việt Nam với người di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam.