Đề nghị không quy định tuổi tối đa tham gia lực lượng phòng không nhân dân huy động

(PLVN) - Đại biểu Quốc hội đề nghị nên mở rộng hơn độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân huy động để đáp ứng nguyện vọng, cũng như phát huy trí tuệ vai trò của người cao tuổi trong bảo vệ Tổ quốc.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh phát biểu tại phiên họp.

Sáng 27/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân.

Dự thảo luật quy định độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân huy động từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi với nam giới, từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi đối với nữ giới, nếu tình nguyện tham gia thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi với nam giới và hết 45 tuổi với nữ giới.

Phát biểu về nội dung này, Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, quy định như vậy trùng với quy định về độ tuổi của lực lượng dân quân tự vệ trong khi về tính chất thì lực lượng phòng không nhân dân huy động có sự khác biệt so với lực lượng Dân quân tự vệ.

Do vậy, Đại biểu đề nghị rà soát kỹ hơn quy định này để đảm bảo phát huy tối đa sức mạnh phòng không nhân dân. Đồng thời, bổ sung quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia lực lượng phòng không nhân dân huy động cho phù hợp với quy định tại Luật Dân quân tự vệ.

Đồng quan điểm, Đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn Đắk Lắk) cũng đề nghị nên bổ sung quy định, trong trường hợp tuyên bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì nên mở rộng hơn độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân huy động nếu người tham gia tình nguyện để đáp ứng nguyện vọng, cũng như phát huy trí tuệ vai trò của người cao tuổi trong bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong điều kiện tác chiến đối không hiện đại thì có thể ngồi tại chỗ, thao tác trên bàn phím, qua máy tính bảng có thể áp chế được phương tiện bay không người lái.

“Trong điều kiện đó, không nhất thiết phải có nhiều sức khoẻ mà quan trọng nhất là trí tuệ, kinh nghiệm tốt”, Đại biểu nói.

Còn Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị quy định tuổi tối thiểu mà không quy định tuổi tối đa, miễn là còn đủ sức khỏe phục vụ, vì đối tượng này làm nhiệm vụ hậu cần là chủ yếu, còn lĩnh vực chiến đấu là do lực lượng khác đảm nhiệm, cho nên đòi hỏi về mặt tinh thần và tự nguyện là chính.

Ngoài ra, Đại biểu đề nghị cũng cần làm rõ khái niệm huy động lực lượng là bắt buộc hay động viên tự nguyện, vì Luật Dân quân tự vệ đã có quy định bắt buộc các đối tượng trong độ tuổi này và quy định miễn giảm còn lực lượng này thì không nên khó thực hiện.

Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu nêu tại phiên họp, Đại tướng Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, về độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân huy động, Bộ Quốc phòng đang vận dụng độ tuổi của lực lượng dân quân và tự vệ.

“Còn nếu những người nào có độ tuổi lớn hơn có nguyện vọng tham gia, chúng tôi rất hoan nghênh. Vấn đề này trong Luật Dân quân tự vệ cũng nêu nội dung này. Chúng tôi cũng xác định lực lượng phòng không nhân dân chủ yếu do lực lượng dân quân và tự vệ là nòng cốt để làm việc này”, Bộ trưởng cho biết.

Cũng tại phiên họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với việc sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công. Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương tiến hành các công việc theo quy định, hoàn tất các thủ tục đầu tư, phân bổ vốn, giao vốn để giải ngân vốn, tránh dàn trải, lãng phí.

Các đại biểu đề nghị khắc phục tình trạng phân bổ vốn, giải ngân vốn chậm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư theo đúng các quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Đọc thêm