Đề nghị tận dụng đất nạo vét thừa để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án ở Vĩnh Phúc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh nhu cầu đất đắp và đất sản xuất vật liệu xây dựng gia tăng, việc khai thác tận dụng nguồn đất nạo vét từ các dự án chống ngập lụt là giải pháp hữu hiệu đem lại nguồn thu cho ngân sách, giảm chi phí và đẩy nhanh tiến độ dự án, hạn chế phát sinh trong công tác quản lý nguồn đất dư thừa.
Khai thác đất trái phép tại thôn Núc Thượng, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Khai thác đất trái phép tại thôn Núc Thượng, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Mới đây, Ban Quản lý dự án nguồn vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc (VPMO) đã có văn bản số 961/VPMO-WB gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc cho phép khai thác đất làm vật liệu xây dựng tại các khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, vay vốn WB.

Theo VPMO, tổng khối lượng đất đào đắp trong dự án chống ngập lụt là 4.134.755m3, trong đó có 1.006.386m3 đất cấp I có thể làm đất san lấp và 3.128.369m3 đất cấp II có thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói. Theo số liệu thống kê, lượng đất đã được đào chuyển đến khu Đồng Mong là 277.677m3 đất cấp I và 486.914m3 đất cấp II, số đất tận dụng để đào đắp tại chỗ là 1.783.156m3. Tổng lượng đất dư thừa là 1.587.008, trong đó đất cấp I là 728.709m3 và đất cấp II là 858.296m3.

Đơn vị tư vấn của VPMO đã tính toán và nhận định, nếu tận dụng nguồn đất thừa dự án sẽ cắt giảm được chi phí vận chuyển từ công trình về bãi tập kết Đồng Mong với số tiền tiết kiệm lên tới 83,9 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách nhà nước sẽ thu về thêm 5,7 tỷ đồng từ việc cấp quyền khai thác nguồn đất tận thu từ dự án. Tổng kinh phí tiết kiệm được sau khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp quyền khai thác khoáng sản dự kiến lên tới số 89,6 tỷ đồng.

So với việc vận chuyển đất dư thừa về tập kết tại khu vực đổ thải Đồng Mong, VPMO cho rằng phương án cho phép khai thác làm vật liệu thông thường đem lại nhiều ưu điểm. Ngoài việc tiết kiệm chi phí dự án, tăng thu ngân sách việc tận dụng đất dư thừa còn giúp đẩy nhanh tiến độ dự án, tăng tốc việc giải ngân nguồn vốn, tăng hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, giá trị tài nguyên được khai thác làm gia tăng giá trị khi đưa vào sản xuất vật liệu thông thường, từ đó hạn chế tình trạng trộm cắp tài nguyên đất vốn gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Khai thác đất trái phép tại thôn Núc Thượng, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Khai thác đất trái phép tại thôn Núc Thượng, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Trên cơ sở đó, VPMO đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc xem xét cấp phép khai thác đất dư thừa tại các công trình của dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án, đem lại những giá trị và hiệu quả kinh tế thiết thực.

Trước đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành công văn số 3678/UBND-NN4 ngày 7/6/2022 về việc cấp phép khai thác đất thải đất thừa tại các dự án ĐTXD công trình thuộc dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc để thu hồi làm vật liệu xây dựng. Hôm 12/10/2022 UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Thông báo số 214/TB-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc nguồn vốn vay WB.

Liên quan đến việc tận dụng đất thừa tại dự án chống ngập lụt, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có 3 tờ trình gửi UBND tỉnh này về việc cấp quyền khai thác đất làm vật liệu thông thường cho các doanh nghiệp. Theo đó, tờ trình số 331/TTr-STNMT đề nghị cấp quyền khai thác đất tại gói thầu CW04A, tờ trình số 333/TTr-STNMT đề nghị cấp quyền khai thác đất tại gói thầu CW04B, CW05, CW07.1, tờ trình số 338/TTr-STNMT đề nghị xem xét cấp quyền khai thác đất tại gói thầu CW01A, CW03, CW06 và CW07.2.

Trong thời gian qua, tình trạng khai thác – vận chuyển – tiêu thụ “đất lậu” xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gây bức xúc dư luận, báo chí nhiều lần phản ánh. Việc cấp quyền khai thác đất dư thừa tại dự án chống ngập lụt là một giải pháp đem lại nhiều mối lợi cho sự phát triển chung của tỉnh Vĩnh Phúc.

Đọc thêm