Đề nghị tăng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực báo chí

(PLO) -Chiều 29/11, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp tư vấn thẩm định Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn thẩm định.
 
Toàn cảnh cuộc họp Hội đồng tư vấn thẩm định
Toàn cảnh cuộc họp Hội đồng tư vấn thẩm định

Sửa 12/13 điều quy định xử phạt về báo chí

Báo cáo tại cuộc họp, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đặng Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ Biên tập Dự thảo Nghị định, cho biết: Một trong những căn cứ để xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 159 là sau khi Nghị định số 159 được ban hành, đã có nhiều quy định mới liên quan đến báo chí, xuất bản, in và phát hành, đặc biệt là Luật Báo chí năm 2016 đã được Quốc hội thông qua. Riêng với nội dung xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí, theo ông Tuấn, dự kiến sửa đổi 12/13 điều, tăng mức phạt ở hầu hết các hành vi để phù hợp thực tế, tính chất mức độ vi phạm. 

Một số hành vi giữ nguyên mức phạt như sử dụng thẻ nhà báo của người khác hoặc sử dụng thẻ nhà báo giả để hoạt động báo chí; sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa, hết hạn sử dụng để hoạt động báo chí; phóng viên nước ngoài hoạt động báo chí tại Việt Nam không có thẻ phóng viên nước ngoài hợp lệ do Bộ Ngoại giao cấp; lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi… Một số hành vi giảm mức phạt gồm thể hiện không chính xác, trung thực nội dung trả lời của người trả lời phỏng vấn; cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật cho báo chí; không cải chính, xin lỗi theo quy định; không đăng, phát nội dung kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trên báo chí; họp báo khi đã bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ...

Đối với lĩnh vực xuất bản, 100% các điều, điểm đều có sự chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung phù hợp, bổ sung 80 hành vi mới, trong đó tập trung vào các hành vi vi phạm liên quan đến nội dung thông tin trên xuất bản phẩm, sản phẩm in. Ngoài ra, Dự thảo Nghị định còn bổ sung 12 hành vi liên quan đến xuất bản và phát hành điện tử trên cơ sở quy định tại Nghị định 195/2013/NĐ-CP (Nghị định này được ban hành sau khi ban hành Nghị định 159/2013/NĐ-CP), đồng thời hủy bỏ 23 hành vi liên quan đến trình tự thủ tục, không phù hợp với thực tiễn hoặc chưa rõ nghĩa hoặc đã có quy định mới thay thế.

Bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan trong hoạt động báo chí

Theo Dự thảo Nghị định, một trong những hành vi được giảm mức phạt so với Nghị định 159 là sử dụng ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội thảo, các cuộc gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện để chuyển thành bài phỏng vấn khi chưa được sự đồng ý của người phát biểu. Về hành vi này, có ý kiến cho rằng, nếu mỗi lần đăng tải lại phải hỏi ý kiến của người phát biểu thì sẽ hạn chế sự chủ động trong tác nghiệp của phóng viên báo chí. Hơn nữa, tuy mức phạt giảm còn 6 – 10 triệu đồng nhưng vẫn còn cao, có thể khiến người làm báo e ngại trong hoạt động nghề nghiệp. Lắng nghe giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Đặng Thanh Sơn đồng tình việc hỏi lại ý kiến của người phát biểu trước khi đưa nội dung thành bài phỏng vấn là việc đúng vì có thể có trường hợp người phát biểu không đồng ý đăng. Tuy nhiên, ông Sơn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc tính toán quy định làm sao để bảo vệ quyền chủ động của người làm báo nhưng cũng bảo vệ quyền của người được phỏng vấn, người phát biểu. 

Đặc biệt, theo Dự thảo Nghị định thay thế, sẽ bỏ 2 biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi thẻ nhà báo và buộc thu hồi giấy phép, nhưng sẽ tăng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép từ 1 đến 24 tháng (bao gồm cả hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí). Trước băn khoăn của đại biểu, đại diện Bộ TT&TT lý giải, 2 biện pháp này không có tính khả thi, không thể thực hiện được trên thực tế, bởi không thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở. Nếu đối tượng vi phạm quy định thuộc diện phải thu hồi thẻ nhà báo, thu hồi giấy phép thì Bộ TT&TT sẽ ra quyết định thu hồi. Tuy nhiên, ông Sơn phân tích, biện pháp buộc thu hồi giấy phép có thể xảy ra trong 2 trường hợp gồm cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thấy giấy phép cấp không đúng thẩm quyền hoặc giấy phép có nội dung trái quy định pháp luật. Do đó, ông Sơn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý lại theo khoản 5 Điều 80 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, chứ không quy định bỏ 2 biện pháp này. 

Về cơ bản, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Nghị định thay thế nhưng góp ý nhiều ý kiến cụ thể để hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Chủ tịch Hội đồng tư vấn thẩm định yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát lại toàn bộ Dự thảo, cân nhắc khung mức phạt và thẩm quyền để bảo đảm thực tiễn triển khai được, tránh mức phạt cao phải chuyển lên cấp trên hoặc thấp lại không đủ sức răn đe. 

Đọc thêm