Đề nghị tiếp tục áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù trong phòng, chống dịch

(PLVN) - Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép Chính phủ áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Tại phiên họp chiều nay, 10/10, Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 (Nghị quyết 30) về kỳ họp thứ Nhất, QH khóa XV.

Triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất

Trình bày báo cáo tại phiên họp, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, QH ban hành Nghị quyết số 30 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành; huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh; thể hiện sự tin tưởng, đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống dịch. Nghị quyết số 30 đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương

Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại mục 3 Nghị quyết số 30, đặc biệt là thực hiện thành công chiến lược vaccine và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp thời, đúng đắn tại những thời điểm quyết định Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát dịch được dịch bệnh COVID-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của QH tại Nghị quyết số 30 cho đến hết ngày 31/12/2022. Để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ trân trọng đề nghị QH cho phép thực hiện đến ngày 31/12/2023.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị QH cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại mục 3.1 Nghị quyết số 30 để có đủ thuốc phục vụ khám chữa bệnh, phòng, ngừa dịch bệnh diễn biến phức tạp và các dịch bệnh khác phát sinh.

Lý do là tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường dẫn đến nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định hiện hành.

Số lượng hồ sơ gia hạn cần giải quyết rất lớn (trên 14.000 hồ sơ) và tiếp tục tăng lên, nhân lực thẩm định hồ sơ thiếu trầm trọng.

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trình bày báo cáo.

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trình bày báo cáo.

“Việc gia hạn này không ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc do các thuốc này đã được đăng ký lưu hành nhiều năm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới (trong đó có nhiều quốc gia quản lý dược chặt chẽ)”, quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Trường hợp không gia hạn kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hoạt động cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ở mọi chuyên khoa, ở tất cả các tuyến điều trị.

Về lâu dài cần có cơ chế gia hạn tự động đối với thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành. Chính phủ đã đề xuất cơ chế này trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và sẽ trình QH trong thời gian tới.

Chính phủ cũng đề nghị QH tiếp tục cho phép Chính phủ áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.

Cụ thể, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 đang hoạt động được phép tiếp tục hoạt động theo yêu cầu thực tiễn. Cho phép sử dụng các quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đã thành lập đồng thời là giấy phép hoạt động.

Cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế; chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục áp dụng để bảo đảm ổn định quyền lợi của người bệnh.

Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Chính phủ như đã được cho phép tại Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15…

Làm rõ nguyên nhân nguy cơ thiếu thuốc

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế được nhận diện trong việc ban hành và thực hiện các chính sách theo quy định tại Nghị quyết 30 và trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định liên quan thực hiện Nghị quyết 30 cần được rút kinh nghiệm.

Về các kiến nghị của Chính phủ đối với QH, Ủy ban Xã hội ghi nhận sự cần thiết của hai kiến nghị của Chính phủ về cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại mục 3.1 Nghị quyết số 30 và cho phép Chính phủ áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.

Tuy nhiên, để có đủ cơ sở cho QH quyết định việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết và để thực hiện đạt hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, đề nghị Chính phủ có Báo cáo đánh giá tổng quan, đánh giá tác động, từ đó đề ra phương hướng, danh mục cụ thể các nội dung cần làm cho thời gian tới phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Đặc biệt, theo một số thông tin, trong năm 2023 sẽ xuất hiện nguy cơ thiếu thuốc khi hơn 14.000 thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành, sẽ ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh nói chung, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của nguy cơ thiếu thuốc này và có Tờ trình chính thức để QH xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, một số ý kiến trong Ủy ban Xã hội cho rằng, các biện pháp nêu trên là đặc biệt, đặc thù chỉ áp dụng trong thời gian có dịch bệnh. Hiện nay tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát cả trên thế giới và nước ta cho nên cần áp dụng theo quy định trong trạng thái bình thường của pháp luật hiện hành.

Trường hợp các quy định của pháp luật hiện hành không còn phù hợp, không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thì Chính phủ trình QH xem xét sửa đổi, bổ sung theo trình tự do Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định.

Tại phiên họp, UBTVQH đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể, quyết liệt, kiên trì, chủ động, sáng tạo, linh hoạt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của hàng trăm nghìn nhân viên y tế, cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, cùng đông đảo các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng bổ sung danh mục tài liệu, số liệu đầy đủ, thông tin toàn diện, rõ việc, rõ thời gian thực hiện, thời gian kết thúc, tiếp tục tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng về việc thực hiện Nghị quyết 30 và 10 Nghị quyết của UBTVQH, đánh giá tác động để các kiến nghị của Chính phủ có căn cứ thuyết phục để Quốc hội xem xét, quyết định.

Đọc thêm