Có sự cắt khúc giữa hoạt động xét xử với hoạt động thi hành án
Năm 2008, lần đầu tiên Quốc hội đã thông qua Luật THADS. Theo đánh giá của Chính phủ, trên cơ sở các quy định của Luật, thời gian qua công tác THADS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của công tác THADS được nâng lên rõ rệt.
Công tác THADS nhận được sự quan tâm hơn của cấp ủy, chính quyền địa phương thông qua việc các cơ quan THADS có trách nhiệm trực tiếp báo cáo công tác THADS trước Hội đồng nhân dân cùng cấp. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật cơ bản đã đầy đủ...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành Luật THADS cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém. Trong đó nổi lên là kết quả THADS có tăng lên so với trước khi có Luật nhưng chưa thật bền vững, lượng án tồn đọng tuy có giảm nhưng số việc và tiền chuyển kỳ sau vẫn còn rất lớn và có xu hướng tăng lên, việc phân loại án ở một số cơ quan THADS vẫn chưa thật chính xác, vẫn còn tình trạng chuyển từ án có điều kiện sang án không có điều kiện, trong khi Tòa án không nắm được bản án, quyết định mà Tòa án đã tuyên có được chấp hành đầy đủ hay không.
Cũng theo đánh giá của Chính phủ, việc tổ chức thi hành án trong nhiều vụ việc còn chưa kịp thời, gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có những trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, thiếu khả thi nhưng việc trả lời của Tòa án đối với yêu cầu của cơ quan thi hành án về giải thích bản án còn chậm, nhiều trường hợp dẫn đến khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài. Thêm vào đó, công tác phối hợp trong THADS tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn bất cập, một số cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa thực sự quan tâm, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho công tác THADS.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế này, nhưng theo nhận định của Chính phủ, nguyên nhân hàng đầu phải kể đến là Luật THADS chưa xác định hoạt động THADS là hoạt động tố tụng, là khâu cuối cùng thực hiện kết quả hoạt động của quyền tư pháp, do đó có sự cắt khúc, tách rời giữa hoạt động xét xử với hoạt động thi hành án.
Bên cạnh đó, trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án đối với việc thi hành các bản án, quyết định của mình còn hạn chế, nhất là việc giải quyết những hệ quả, vướng mắc trong trường hợp kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án hay của Viện kiểm sát dẫn đến thay đổi nội dung các bản án đã có hiệu lực đang được thi hành hoặc đã thi hành xong; trách nhiệm theo dõi, thống kê việc thi hành các bản án, quyết định cũng chưa được Tòa án quan tâm thực hiện; thẩm quyền kiểm sát, thanh tra đối với công tác THADS chưa được phân định rõ ràng.
Ngoài ra, một số quy định về quyền, trách nhiệm của các bên trong thi hành án còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là việc Luật quy định người được thi hành án có trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án, gây khó khăn cho người được thi hành án, nhất là việc xác minh tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức tín dụng. Một số quy định của Luật THADS về trình tự, thủ tục thi hành án còn bất cập, thiếu thống nhất.
Xác minh điều kiện thi hành án là trách nhiệm của Chấp hành viên
Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật THADS lần này, Chính phủ cho rằng cần tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương trong công tác THADS. Bên cạnh đó, để bảo đảm sự phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong đó Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, THADS là cơ quan thuộc hệ thống hành pháp tham gia thực hiện kết quả hoạt động của quyền tư pháp; có tính đến những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn trong các luật, bộ luật khác đang được sửa đổi, bổ sung như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS dự kiến sửa đổi, bổ sung 38/183 điều, trong đó bổ sung 04 điều, sửa đổi 34/183 điều và bãi bỏ 04/183 điều so với Luật hiện hành. Cụ thể, Dự thảo Luật bổ sung các quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan theo hướng tăng cường sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của các bên trong quá trình tổ chức thi hành án.
Mặt khác, để phù hợp hơn với thực tiễn, Dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng chuyển việc xác minh điều kiện thi hành án từ nghĩa vụ của người được thi hành án thành trách nhiệm của Chấp hành viên nhằm giảm bớt khó khăn cho người được thi hành án, đồng thời quy định người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh. Người được thi hành án cũng có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và được miễn, giảm phí thi hành án nếu cung cấp thông tin chính xác.
Về trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án trong THADS, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án trong THADS, như bổ sung quy định Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, bổ sung quy định về thời hiệu yêu cầu Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, bổ sung thẩm quyền của Tòa án ra quyết định cho bán đấu giá tài sản để thi hành án khi giá tài sản thay đổi tăng hoặc giảm.
Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong việc bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đã thi hành được một phần hoặc thi hành xong nhưng bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Dự thảo Luật cũng quy định rõ hơn việc thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa và thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của UBND các cấp, của Viện kiểm sát nhân dân trong THADS, bổ sung một số quy định về việc bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển, về thủ tục THADS, về trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án, về biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án, về mở rộng điều kiện, mức miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước...
Với những quy định được sửa đổi, bổ sung như trên, Chính phủ nhận định việc phân công trách nhiệm giữa Tòa án với cơ quan THADS trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án là rõ ràng, hợp lý, đồng thời đảm bảo để Tòa án - cơ quan thực hiện quyền tư pháp - có đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn và công cụ pháp lý để kiểm soát từ khi bắt đầu đến khi kết thúc của quá trình thi hành án, tăng cường trách nhiệm và hoàn thiện quy trình, thủ tục pháp lý để Tòa án, theo chức năng của mình, giải thích, làm rõ nội dung bản án, quyết định do mình tuyên và giải quyết các vấn đề pháp lý có liên quan trong trường hợp làm thay đổi nội dung bản án, quyết định của Tòa án. Từ đó, nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Tòa án, THADS và Kiểm sát trong việc THADS được bảo đảm tốt hơn, phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong công tác THADS, việc phân loại án ngày càng chính xác, tỷ lệ số việc và tiền có điều kiện thi hành trên tổng số việc và tiền phải thi hành của các năm tăng đáng kể: năm 2010 đạt tỷ lệ 65,7% về việc và 36,46% về tiền; năm 2011 đạt tỷ lệ 68,15% về việc và 37,7% về tiền; năm 2012 đạt tỷ lệ 69,32% về việc và 30,66% về tiền; năm 2013 đạt tỷ lệ 77,81% về việc và 56,1% về tiền.
Tỷ lệ việc thi hành xong trong số việc có điều kiện thi hành của các năm cũng tăng dần: năm 2010 đạt tỷ lệ 86,35% về việc và 80,1% về tiền; năm 2011 đạt tỷ lệ 88% về việc và 76,1% về tiền; năm 2012 đạt tỷ lệ 88,58% về việc và 76,98% về tiền; năm 2013 đạt tỷ lệ 86,53% về việc và 73,17% về tiền.