“Một cú a lô” có thể hoãn THADS ở “phút 89”?

(PLO) - Dù Luật Thi hành án dân sự (THADS) đã quy định các trường hợp được hoãn thi hành án (THA), tuy nhiên, thực tế việc hoãn lại “muôn hình vạn trạng”, lý do thì nhiều và cơ quan đề nghị hoãn cũng không biết bao nhiêu. Cá biệt có nhiều vụ hoãn chỉ bằng… một cú a lô.
Một buổi cưỡng chế thi hành án. Ảnh minh họa
Một buổi cưỡng chế thi hành án. Ảnh minh họa
Muôn kiểu “né” thi hành án
Ông Nguyễn Minh T. ở quận Cầu Giấy, Hà Nội là người phải THA trong một vụ án chia thừa kế. Do ông T. không tự nguyện thi hành, cơ quan THA phải lên phương án cưỡng chế. Nhận được quyết định này, ông T. đột ngột nhập viện và xuất trình bệnh án với bệnh gan đang ở giai đoạn… nguy cấp. Cơ quan THA phải lùi kế hoạch cưỡng chế lại một thời gian. 
Ba tháng sau ông T. xuất viện, quyết định cưỡng chế được tiếp tục thực hiện. Lại giống như lần trước, lần này gia đình ông T. cũng xuất trình bệnh án với bệnh tiểu đường. Rút kinh nghiệm, cơ quan THA đến tận nơi làm việc với bệnh viện và bác sỹ khẳng định bệnh tiểu đường của ông không nguy hiểm đến tính mạng như ông trình bày.
Những trường hợp giả bệnh như ông T. nói trên giờ không hiếm. Thậm chí nhiều người còn tìm mọi cách... để được ốm nhằm trốn tránh nghĩa vụ THA. Công dân trốn THA đã đành, nhiều cơ quan nhà nước không có chức năng hoãn cũng yêu cầu hoãn một cách rất tràn lan. Còn nhớ cách đây ít năm, cơ quan THA một thành phố đang chuẩn bị cưỡng chế một vụ THA đình đám thì bị UBND tỉnh yêu cầu hoãn vì sắp diễn ra một cuộc thi hoa hậu. 
Theo luật, Tòa, Viện là cơ quan được quyền yêu cầu hoãn THA để xem xét lại bản án, nhưng thực tế có rất nhiều cơ quan yêu cầu hoãn với đủ lý do. Nhiều cơ quan đề nghị hoãn bằng văn bản, có dấu đỏ, chữ ký “tươi“, nhưng nhiều cơ quan, thậm chí người có thẩm quyền yêu cầu hoãn bằng… một cú điện thoại. Cơ quan THA “rắn mặt” thì từ chối hoặc đề nghị cung cấp văn bản, có nơi thì đành chấp nhận hủy cuộc cưỡng chế.
Đó là chưa kể việc hoãn THA vì phải chờ chính các cơ quan có thẩm quyền hoãn (Tòa án, VKS). Nhiều trường hợp THA phải đợi Tòa giải thích, tuy nhiên, nhiều vụ đợi mãi mà Tòa không giải thích, hoặc giải thích vòng vo. Những vụ Tòa, Viện yêu cầu hoãn trong thời hạn 3 tháng để rút hồ sơ lên xem xét để kháng nghị nhưng sau thời gian đó, Tòa, Viện cũng không trả lời. Ngược lại, có những vụ đã trả lời là không có cơ sở xem xét kháng nghị, THA chuẩn bị tiếp tục đưa ra thi hành thì lại có kháng nghị, THA lại hoãn một lần nữa...
Hơn 100 ngàn việc phải hoãn
Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Lê Quang Tiến phản ánh, trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều vụ sát ngày cưỡng chế mới có văn bản hoãn, gây rất nhiều khó khăn cho công tác THA. “Để đi đến quyết định và tổ chức việc cưỡng chế, nhất là đối với các vụ án phức tạp, cơ quan THA phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Vậy mà đùng cái, cuộc cưỡng chế lại bị hoãn, điều này không những gây lãng phí ngân sách mà còn gây bức xúc cho đương sự, khiến họ khiếu kiện kéo dài” - ông Tiến nói.
Báo cáo công tác THADS của Tổng cục THADS cho biết: số việc phải hoãn THA chiếm số lượng lớn (100.152 việc, tương ứng với số tiền gần 6.000 tỷ đồng). Trong nhiều nguyên nhân được chỉ ra có nguyên  nhân “một số cơ quan THA có biểu hiện ngại va chạm”. 
Để THA không hoãn vào “phút 89”, các ngành chức năng cần đề cao trách nhiệm và tinh thần “thượng tôn pháp luật”; không can thiệp vào hoạt động của cơ quan THA nếu không thuộc thẩm quyền; bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm những trường hợp can thiệp trái pháp luật. Về phía cơ quan THA cũng cần kiên quyết hơn trong việc cưỡng chế THA để bảo đảm án có hiệu lực phải được thi hành…
Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn THA trong các trường hợp sau đây:
a) Người phải THA bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; chưa xác định được địa chỉ của người phải THA hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải THA không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định; 
b) Người được THA đồng ý cho người phải THA hoãn THA...; 
c) Người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế THA hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên; 
d) Tài sản kê biên có tranh chấp đã được Tòa án thụ lý để giải quyết; 
đ) Việc THA đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan THADS theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 179 của Luật này.
(Khoản 1 Điều 48 Luật THADS)

Đọc thêm