Chưa có nhiều đề nghị cho Chương trình năm 2018
Qua theo dõi việc triển khai thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Bộ Tư pháp nhận thấy các bộ, cơ quan ngang bộ đã chủ động, tích cực thực hiện việc lập đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và lập đề nghị xây dựng nghị định, đề xuất đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ năm 2017. Một số bộ đã ban hành kế hoạch lập đề nghị xây dựng một số dự án luật, đồng thời thành lập các ban nghiên cứu, tổ nghiên cứu xây dựng đề nghị với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học như Bộ Giáo dục và Đào tạo (Luật Nhà giáo), Bộ Quốc phòng (Luật Cảnh sát Biển), Bộ Y tế (Luật Dân số, Luật về Máu và Tế bào gốc, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia)…
Tính đến thời điểm hiện tại, có 2 đề nghị xây dựng luật, nghị định đã được gửi Bộ Tư pháp để thẩm định là đề nghị xây dựng Luật Cảnh sát Biển (Bộ Quốc phòng) và đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Bộ Tài chính). Tuy nhiên, việc triển khai lập đề nghị xây dựng văn bản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, số lượng đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định được gửi về Bộ Tư pháp thẩm định chưa nhiều, đặc biệt chưa có đề nghị xây dựng văn bản nào được trình Chính phủ xem xét, thông qua chính sách. Chất lượng hồ sơ đề nghị chưa cao, nhất là báo cáo đánh giá tác động của chính sách còn sơ sài, đánh giá tác động trên các khía cạnh kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật còn chung chung…
Tạo thông thoáng cho doanh nghiệp
Về việc rà soát, lập danh mục văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 2 gồm 3 luật, 2 nghị quyết thì chỉ có Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư là không giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quy định chi tiết. Tuy nhiên, theo phản ánh tại cuộc họp ngày 20/12, đại diện một số bộ, ngành vẫn tỏ ra băn khoăn về Danh mục này.
Lãnh đạo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) báo cáo lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong Công văn số 10691 là giao các bộ, ngành khẩn trương rà soát, đề xuất xây dựng văn bản quy định chi tiết đối với ngành nghề mới, ngành nghề cần sửa đổi, bổ sung; hướng dẫn áp dụng các quy định hiện hành đối với các ngành, nghề sửa tên, tách, hợp nhất gửi Bộ Tư pháp tổng hợp trước ngày 20/12/2016. Công văn 10691 cũng thông báo ý kiến của Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các bộ, ngành tổng hợp, đề xuất lập Danh mục, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12/2016. Đến chiều 20/12, Bộ Tư pháp chưa nhận được báo cáo rà soát, đề xuất của các bộ, ngành.
Qua rà soát sơ bộ và trao đổi với Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì Bộ Tư pháp cho biết, đối với 15 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được bổ sung vào Phụ lục 4 của Luật, cơ bản đã được quy định tại các văn bản hiện hành và sẽ có thể triển khai thi hành được ngay từ ngày 1/1/2017, trừ 4 ngành, nghề gồm tư vấn du học; kiểm định chất lượng giáo dục; kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô. Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư đã bãi bỏ 20 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được ban hành trong Phụ lục kèm theo Luật Đầu tư nên các bộ, ngành cần tuân thủ.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị các bộ, ngành tích cực hơn nữa trong việc lập đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Riêng hai ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực giáo dục, Thứ trưởng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương vì sắp đến thời điểm có hiệu lực thi hành, đảm bảo tạo thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan. Thứ trưởng nhất trí không xây dựng nghị định quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà chỉ trở thành một điều khoản chuyển tiếp trong các nghị định tương ứng.