Đề nghị xử lý hình sự người dùng chất cấm nuôi heo

(PLO) - Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chuyên môn đã phát hiện một số đại lý bán thuốc thú y và một số cơ sở chăn nuôi heo đã sử dụng một số loại chất cấm để nhằm mục đích kích thích tỷ lệ nạc trong thịt heo. Việc sử dụng hóa chất cấm để chăn nuôi đã gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trước thực trạng này, các cơ quan quản lý nhà nước đã kiến nghị xử lý hình sự những người dùng chất cấm trong chăn nuôi.
Chất tạo nạc, chất cấm sử dụng trong chăn nuôi 
Để cho heo dễ bán và bán với giá cao, một số hộ chăn nuôi đã dùng đến mánh khóe cho heo ăn thực phẩm có trộn chất salbutamol để heo có nạc nhiều, mỡ ít, da mỏng... Đây là loại dược phẩm sử dụng rộng rãi trên người để điều trị các cơn hen suyễn, làm chậm nhịp tim, suy tim và giúp người bệnh hô hấp dễ dàng hơn. 
Tuy nhiên, khi sử dụng trong chăn nuôi, loại thuốc này lại giúp tạo nạc ở heo trước khi xuất chuồng khoảng một tháng. Từ lâu, chất này đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới vì có thể gây ra các bệnh về tim mạch, hệ thần kinh… cho người tiêu dùng. 
Ngoài ra, chất Clenbuterol, Salbutamol tồn dư trong thịt lợn sẽ vào cơ thể người tiêu dùng, gây ra ung thư, nhược cơ, tổn hại hệ thần kinh. Clenbuterol khá bền với nhiệt độ, chỉ bị phân hủy ở nhiệt độ trên 172 độ C nên khi nấu thông thường khó có thể loại bỏ hết độc tính của Clenbuterol. Việc ăn phải thịt lợn chứa chất Clenbuterol về lâu dài có thể gây biến chứng ung thư, Clenbuterol gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người. 
Để phân biệt heo không chứa chất tạo nạc bằng mắt thường là rất khó. Người tiêu dùng có thể tránh chọn loại thịt có màu không quá đỏ. Nhưng nếu các hộ buôn bán cắt thành từng miếng hoặc đưa vào chế biến thì không thể biết được thịt có chứa chất tạo nạc hay không, ngay cả cơ quan chức năng cũng khó mà phát hiện thịt chứa chất cấm. Để biết chính xác thịt có chứa chất tạo nạc phải qua xét nghiệm, chứ còn bằng cách nhìn hoặc sờ vào thịt cũng không thể phát hiện được. 
Hiện nay, cách giám sát duy nhất là lấy mẫu thịt đi kiểm tra, theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho rằng trước đây rất dễ nhận biết heo “nạp” chất cấm qua đánh giá cảm quan vì vai nở, mông to. Nay người chăn nuôi dùng nhiều chiêu thức nên muốn đánh giá chính xác việc sử dụng chất cấm phải xét nghiệm khiến quá trình xử lý kéo dài, phức tạp.
Chế tài xử lý chưa đủ răn đe 
Thực tế đáng lên án hiện nay là giới thương lái thường trả giá cao khi mua heo có sử dụng chất cấm so với bầy heo không sử dụng, điều này vô tình gây thói quen phải dùng chất kích thích tạo nạc của người chăn nuôi. 
Theo các ngành chức năng, hiện nay rất khó quản lý các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bởi hiện tại nguồn chất cấm đa số xuất phát từ Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường. Giá bán các chất cấm này tương đối rẻ, sử dụng nó có thể giảm chi phí tiền thức ăn từ 2 - 3 lần nên nhiều người dù biết cấm nhưng vẫn sử dụng. 
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, trung bình một ngày thành phố tiêu thụ khoảng 72 - 80 tấn thịt gia súc từ các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… Do lượng thịt nhập khẩu từ các tỉnh khá lớn nên việc quản lý chất lượng hàng hóa có phần khó khăn hơn. Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, mới đây Chi cục Thú y TP.HCM tiến hành lấy 222 mẫu nước tiểu từ các đàn lợn của 8 tỉnh có lượng thịt lợn lớn nhập vào TP.HCM để xét nghiệm. 
Kết quả cho thấy, tình trạng heo sử dụng chất cấm vẫn không thuyên giảm, trong đó nhiều nhất là tỉnh Đồng Nai - nơi được mệnh danh là thủ phủ của ngành chăn nuôi cả nước với khoảng 1,5 triệu con heo. Qua tiến hành kiểm tra 8 cơ sở giết mổ ở TP.HCM, kết quả cũng cho thấy lượng heo sử dụng chất cấm tạo nạc, tăng trọng… đang ở mức báo động.
Hiện nay, việc phát hiện, xử lý các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi heo mới dừng lại ở chế tài xử phạt hành chính. Theo quy định hiện nay, khi đoàn kiểm tra phát hiện một lô heo nào đó có chất cấm vượt ngưỡng cho phép, đầu tiên là xử phạt hành chính với mức phạt tiền 15 triệu đồng và bắt người vi phạm phải nuôi thêm 10-15 ngày để chất cấm này không còn trong thịt trước khi đưa ra thị trường nên không có tính răn đe cao.
Vì thế, nhiều nhà chuyên môn cho rằng cần phải có chế tài hình sự về vấn đề này mới xử lý triệt để tình trạng dùng chất cấm trong chăn nuôi heo, góp phần bảo vệ người tiêu dùng. Liên quan đến yêu cầu “xử lý hình sự” những cá nhân, đơn vị sản xuất, mua bán, xúi giục người khác sử dụng chất tạo nạc trong lĩnh vực chăn nuôi heo như đề xuất của Sở NN&PTNT Đồng Nai. 
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, cơ quan chức năng phải xử lý tới nơi tới chốn, quyết liệt để ngăn chặn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Mức phạt đối với hành vi này hiện còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Nếu không thay đổi mức xử phạt, xử lý không nghiêm thì ngành chăn nuôi có nguy cơ phá sản. 
Trước thực trạng sử dụng chất cấm vẫn diễn ra, các cơ quan liên quan cần tổ chức các đoàn thường xuyên kiểm tra các trang trại ngẫu nhiên, liên tục nhằm có biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; đồng thời công bố các trang trại vi phạm lên phương tiện truyền thông đại chúng.
Để người tiêu dùng không tẩy chay thịt lợn và ngành Chăn nuôi Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi thực phẩm “bẩn”, rất cần có sự đồng lòng và cái tâm của người chăn nuôi không vì lợi nhuận mà cố tình vi phạm các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng…

Đọc thêm