Cụ thể, theo quy định của Luật Trách nhiệm BTCNN thì việc BTCNN chỉ phát sinh khi người bị thiệt hại có đơn yêu cầu bồi thường gửi đến cơ quan nhà nước đã có việc làm sai. Sau đó là một loạt điều kiện kèm theo để xem xét việc đơn yêu cầu có đủ điều kiện để tiếp nhận hay không.
Còn các cơ quan hành chính nhà nước thường không ra các "quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo", chỉ ra các công văn để trả lời đơn khiếu nại, tố cáo. Thậm chí, nếu có ra quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo thì trong quyết định cũng chỉ xác định về hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính của cơ quan nhà nước là đúng hay sai, không có nội dung xác định lỗi thuộc về cơ quan nào.
Vì vậy, người dân khi có yêu cầu đòi bồi thường cũng không biết sẽ gửi đơn đi đâu. Vấn đề xác định thiệt hại và mức bồi thường theo quy định của Luật hiện nay cũng còn nhiều bất cập.
Luật mới chỉ quy định đến việc xác định các thiệt hại vật chất trực tiếp từ hành vi có lỗi của cơ quan nhà nước, chưa tính toán đến các thiệt hại và cơ sở xác định thiệt hại về tinh thần hoặc những thiệt hại khác phát sinh từ thiệt hại trực tiếp do hành vi có lỗi của cơ quan nhà nước. Bởi thế, mức bồi thường không cao và tâm lý của người dân là ngại đối đầu với các cơ quan nhà nước.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho đương sự, qua kết quả của một số cuộc thanh tra về trách nhiệm giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan THADS, Thanh tra Bộ Tư pháp kiến nghị phải hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm BTCNN theo hướng bổ sung văn bản xác định hành vi trái pháp luật là quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Ngoài ra, cần bổ sung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực bồi thường nhà nước để kịp thời phát hiện sai phạm, phòng chống tham nhũng, đẩy mạnh công tác bồi thường nhà nước để bồi thường kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch, tạo điều kiện bảo vệ tối đa quyền của người bị thiệt hại, bảo vệ lợi ích của Nhà nước.
Tổng cục THADS khẳng định sẽ chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, góp phần hạn chế những sai phạm đến mức phải bồi thường trong quá trình thực thi công vụ của các cơ quan THADS. Không những thế, Tổng cục cũng tiến hành công tác dự báo các vụ việc có thể xảy ra bồi thường nhà nước trong THADS, rà soát các quyết định, hành vi thực thi công vụ trong lĩnh vực THADS có thể dẫn đến vi phạm, phải thực hiện trách nhiệm bồi thường để tổ chức rút kinh nghiệm, phòng tránh.