Với ông, chốn nghĩa địa vốn hoang lạnh ấy lại là tình yêu, lẽ sống.
Duyên tiền định
Thôn Liễu Nội là làng nghề có tiếng của Hà Nội. Người dân làng này chịu thương chịu khó nên kinh tế khá giả lắm. Nhà cao tầng mọc lên san sát. Cửa hàng dịch vụ kinh doanh tấp nập chẳng khác gì chốn phố thị phồn hoa.
Cách “trung tâm” của thôn chỉ vài trăm mét là nghĩa địa với hàng chục ngôi mộ nằm sát nhau. Có điều kỳ lạ ở chốn nghĩa địa vốn hoang lạnh ấy lại có một khu vườn tuyệt hảo, mùa nào thức nấy, hoa trái đầy cành bao quanh một ngôi mộ được xây cất cẩn thận bằng đá xẻ.
Hỏi ra mới biết đây là “dự án” có một không hai của ông Nguyễn Tài Thiệp (71 tuổi, trú tại thôn Liễu Nội, Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội). Ba năm nay, ông Thiệp đã “an cư” ngoài nghĩa địa để được gần người vợ dấu yêu của mình.
Lối vào khu vườn |
Sau khi người vợ hiền lâm vào trọng bệnh ra đi về bên kia thế giới, ông Thiệp đau buồn lắm, suốt mấy năm ròng vẫn vò võ sống trong nỗi nhớ vợ khôn nguôi, ông đi đến một quyết định lạ lùng đó là rời bỏ căn nhà sang trọng với đầy đủ tiện nghi để ngày ngày ra sống ngoài mộ vợ.
Đã 3 năm nay, bên làn khói hương thơm ngát ở mộ vợ, ông Thiệp lại rì rầm to nhỏ đủ thứ chuyện cho người vợ hiền đã nằm sâu dưới ba thước đất. Với ông mặc dù âm dương đã chia lìa đôi ngả nhưng ông luôn nghĩ bà Nguyễn Thị Bùi (tên người vợ quá cố) vẫn quấn quýt bên cạnh.
Giọng trầm ấm, hài hước, ông Thiệp kể lại chuyện tình cách đây 40 năm về trước của vợ chồng ông. Ngày ấy, ông Thiệp mới ngoài đôi mươi và khá đẹp trai nên được nhiều thôn nữ thầm thương trộm nhớ. Thế nhưng bởi nhà nghèo quá nên ông Thiệp cũng chẳng dám nghĩ tới việc “loay hoay” với cô nào.
Bỗng một ngày đẹp trời, ông Thiệp nhận được một lá thư tình viết vội trên giấy vở học trò. Đó là lá thư của cô thôn nữ xinh đẹp có tên Nguyễn Thị Bùi, sống cách nhà ông một khu vườn. Trong lá thư tình ấy cô thôn nữ Bùi thổ lộ, thấy ông hiền lành, hay lam hay làm lại vui tính nên thầm thương trộm nhớ đã lâu…
Ròng ra hơn nghìn ngày, ông Thiệp lặng lẽ tìm vui bên ngôi mộ vợ |
“Đúng là ông tơ bà nguyệt đã se duyên. Nếu không nhận được lá thư ấy chắc gì tôi đã có được mái ấm hạnh phúc của đời mình”, ông Thiệp bùi ngùi nhớ lại.
Sau đó ông Thiệp và bà Bùi đã nên duyên vợ chồng, ở với nhau được tròn 5 năm, có với nhau 3 mặt con thì ông lên đường nhập ngũ. Những ngày xông pha dưới mũi tên hòn đạn, ông Thiệp vẫn bị dính mảnh đạn vào đùi nên được ra Bắc an dưỡng vào năm 1969.
Khi đi qua địa phận Thường Tín, mặc cho vết thương vẫn còn đau nhức nhưng nỗi nhớ và tình yêu với người vợ thảo hiền, với những đứa con ngoan ngoãn còn lớn gấp bội nên ông Thiệp quyết định tất tả chạy bộ hơn chục cây số về nhà.
Bặt tin nhau bấy lâu, nhìn thấy chồng tủm tỉm đứng trước hiên nhà, bà Bùi ngỡ mình nhớ chồng quá mà hoa mắt chăng, dụi mắt, cấu tay xong bà òa khóc lao tới ôm ông…
Vườn địa đàng để nguôi nỗi nhớ
Đất nước giải phóng, ông Thiệp nhận nhiệm vụ mới là đi xây dựng kinh tế nông trường ở mãi cao nguyên Mộc Châu (tỉnh Sơn La). Mặc dù nhớ vợ thương con nhưng “nặng tình đất nước”, ông lại khoác ba lô lên đường. Vậy là thêm 10 năm nữa ông lại vắng nhà. Bà Bùi lại một thân một mình lầm lũi nuôi con, chờ chồng…
Từ nông trường Mộc Châu về quê nhà nghỉ hưu năm 1987, thương người vợ quá vất vả vì mình, ông Thiệp luôn cố gắng bù đắp cho bà những thiệt thòi sau bao năm xa cách. Những người sống xung quanh nhà ông đều hết sức vì nể ông bởi chẳng bao giờ thấy vợ chồng ông to tiếng dù chỉ một lời.
Ông Thiệp kể lại câu chuyện cuộc đời mình |
Mặn nồng với nhau được ngót hai chục năm thì bà Bùi vướng vào trọng bệnh. Trong những ngày trước khi vợ mất, ông Thiệp không rời vợ lấy nửa bước. 5 người con của ông khi này kinh tế đều rất khá giả nên ngỏ ý thuê người chăm sóc mẹ nhưng lập tức bị ông gạt phăng ngay. Ông nghĩ, ngoài ông ra không ai có được cái quyền chăm sóc ấy!
Trước khi mất, vợ ông cứ nắm tay chông nói không muốn rời xa ông, muốn ở bên ông muôn đời, muôn kiếp. Nghe vợ nói vậy, lúc ấy ông Thiệp nước mắt cứ chực tuôn trào. Nắm chặt tay bà Bùi, ông đọc mấy câu thơ tự làm, “Chữ tình cùng với chữ duyên; Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền; Bây giờ cách trở âm dương; Sau này xum họp lại chung một mồ”, dù có thế nào tôi cũng mãi bên bà.
Kể tới đây, ông Thiệp ngân ngấn nước mắt, ngậm ngùi hồi lâu rồi kể tiếp. Sau khi vợ mất, ông Thiệp như người mất hồn, tính tình ông vui vẻ hoạt bát là thế mà giờ đây cứ trầm lặng suy tư. Vốn dĩ trước đó vợ ông chôn cất ở cánh đồng xa, tuổi cao sức yếu nên thi thoảng ông mới ra thăm mộ. Đến năm 2013, khi sang cát đưa vợ về nghĩa trang gần nhà, ông Thiệp mới yêu đời trở lại.
Ngôi mộ của vợ được ông Thiệp thiết kế khá cầu kỳ bằng đá, cáo dễ tới hơn 2 mét có hai ngăn, bên trái dành cho bà, bên phải cho ông. Ông bảo, thiết kế như vậy là để mai này ông bà lại được bên nhau.
Khi ngôi mộ hoàn tất cũng là lúc ông Thiệp bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn của con cháu để ngày ngày cứ sáng sơm tinh mơ là ra ở với… vợ, đến tối mịt mới chịu về nhà.
Toàn cảnh khu vườn của ông Thiệp |
Vốn là khi còn sống bà Bùi rất thích cỏ hoa nên ông Thiệp cứ nhặt nhạnh đủ thứ que sắt, que tre, thu gom đủ loại cây hoa trái rồi hì hụi mang về nghĩa địa thực hiện “siêu dự án” vườn địa đàng bên mộ vợ.
Cứ thế, sau 3 năm ròng, giờ đây mộ vợ ông đã xanh om rau trái với hàng trăm loại cây. Mặc dù không có kiến thức về nông nghiệp nhưng chả hiểu sao cây nào ông trồng cũng sai trĩu quả, hoa nào ông chăm cũng cũng nở tươi thắm.
Bên cạnh giàn bầu, giàn đỗ là vườn thuốc “làm phúc” của ông bởi ông trông thuốc là để phục vụ miễn phí cho người dân trong thôn. Giữa “vườn làm phúc” có cây ngọc lan, tuy cao chưa quá đầu người nhưng đã hoa đã trổ, thơm ngan ngát.
Điều khiến nhiều người cảm động hơn đó là trên phần mộ của bà Bùi có có tấm bảng gỗ ghi bài 4 câu thơ ông tặng vợ trước khi mất: “Chữ tình cùng với chữ duyên; Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền; Bây giờ cách trở âm dương; Sau này sum họp lại chung một mồ”.
Đọc lại 4 câu thơ, ông Thiệp trầm ngâm nói, tình yêu thì không ai định nghĩa được và nó là thứ thiêng liêng nằm riêng trong tim mỗi người. Với tôi, tình yêu với vợ là sự vĩnh cửu…