Không để đùn đẩy trong thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

(PLO) - Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng né tránh, đùn đẩy trong việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện nay, theo Bộ Tư pháp là do cơ quan giải quyết bồi thường hiện đang theo mô hình phân tán. Dự thảo Luật sửa đổi sẽ khắc phục tình trạng này bằng việc lập cơ quan giải quyết bồi thường tập trung.
Không để đùn đẩy trong thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Theo Bộ Tư pháp, quy định về cơ quan giải quyết bồi thường theo mô hình phân tán, nhưng không thành lập bộ phận, bố trí biên chế để thực hiện nhiệm vụ giải quyết bồi thường, đặc biệt trong hoạt động tố tụng hình sự, việc giao cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng đã làm oan có trách nhiệm giải quyết bồi thường dẫn đến hiện tượng né tránh, đùn đẩy; việc cơ quan gây thiệt hại thương lượng trực tiếp với người bị thiệt hại giải quyết bồi thường tạo tâm lý cho rằng việc giải quyết bồi thường là thiếu khách quan.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) không quy định có đội ngũ công chức chuyên trách thực hiện giải quyết bồi thường nên không bảo đảm tính chuyên nghiệp, dẫn đến lúng túng, kéo dài thời gian giải quyết, gây bức xúc cho người bị thiệt hại.

Luật TNBTCNN chưa quy định cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả trong khi rất nhiều cơ quan thực hiện giải quyết bồi thường nên không kịp thời phát hiện sai phạm, vướng mắc trong hoạt động giải quyết bồi thường trong cả ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. 

Một trong những nội dung lớn dự kiến sửa đổi trong xây dựng Luật TNBTCNN lần này là chuyển mô hình cơ quan giải quyết bồi thường từ phân tán sang mô hình cơ quan giải quyết bồi thường tập trung (thay vì giao cho nhiều cơ quan giải quyết bồi thường như hiện nay, việc giải quyết bồi thường được giao cho cơ quan chuyên trách đại diện Nhà nước thực hiện), đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý người thi hành công vụ, các cơ quan tư pháp địa phương trong hoạt động giải quyết bồi thường.

TANDTC cho rằng: “Cần thiết nghiên cứu xây dựng mô hình thực hiện trách nhiệm bồi thường nhà nước theo hướng tập trung, tức là việc giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước tập trung về một cơ quan chuyên trách”.

Theo nhận định của TANDTC, cơ chế giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước tập trung sẽ tạo ra cơ quan chuyên trách giải quyết bồi thường nhà nước một cách chuyên nghiệp, nhanh chóng bồi thường cho người bị thiệt hại; giải tỏa tâm lý cho người thi hành công vụ, cơ quan quản lý người thi hành công vụ tập trung vào nhiệm vụ chính của mình. 

Bà Tống Thị Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội cũng cho biết, thực tiễn triển khai thi hành Luật TNBTCNN cho thấy mô hình này bộc lộ một số hạn chế như: các cơ quan giải quyết bồi thường thiếu khách quan trong việc giải quyết bồi thường, người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc việc giải quyết bồi thường của những cơ quan này còn chậm trễ và không có tính chuyên nghiệp trong việc giải quyết bồi thường.  

Vì thế, cần chuyển mô hình cơ quan giải quyết bồi thường từ phân tán sang mô hình một cơ quan chuyên trách giải quyết bồi thường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu bồi thường và khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy…

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cần Thơ phân tích thêm: Theo quy định tại Điều 14 và khoản 2 Điều 40 Luật TNBTCNN thì cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, công chức có hành vi, quyết định trái pháp luật gây ra thiệt hại. Quy định này có ưu điểm là gắn liền hoạt động chuyên môn nghiệp vụ khi giải quyết bồi thường và không làm phát sinh tổ chức bộ máy, nhân sự làm công tác này.

Tuy nhiên, hạn chế là có thể không đảm bảo tính khách quan trong hoạt động giải quyết bồi thường; người thực hiện giải quyết bồi thường chưa có tính chuyên nghiệp, chưa được đào tạo, tập huấn về công tác này nên dễ dẫn đến lúng túng, kéo dài thời gian giải quyết, gây bức xúc cho người bị thiệt hại và phát sinh các thủ tục không cần thiết. 

Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng thu gọn đầu mối, thành lập một cơ quan chuyên trách, độc lập về tổ chức và nhân sự ở cấp Trung ương và cấp tỉnh nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác, chuyên nghiệp và không bị kéo dài thời gian giải quyết.

Đọc thêm