Để người nông dân mò mẫm đầu ra thì sản phẩm khó xuất khẩu

(PLO) -  "Nhà nước phải làm tốt chức năng tìm kiếm thị trường, việc này mà để người dân làm thì rất khó... Nếu cứ để người dân tự mò mẫm thì không thể đưa sản phẩm của chúng ta ra nước ngoài", ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Hà Tĩnh trao đổi xung quanh dự thảo Luật Chăn nuôi được Quốc hội thảo luận vào chiều nay, 7/6.
Đại biểu Trần Đình Gia
Đại biểu Trần Đình Gia

Ông đánh giá thế nào về việc ban hành Luật Chăn nuôi?

- Trước tiên, ngành chăn nuôi của nước ta có truyền thống, các vật nuôi có nhiều lợi thế vừa phục vụ nhu cầu trong nước vừa có khả năng xuất khẩu cao. Mặt khác điều kiện tự nhiên ở nước ra thuận lợi để phát triển chăn nuôi. Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước cũng đã có những chỉ đạo để phát triển ngành chăn nuôi.

Tuy nhiên lâu nay ngành chăn nuôi chưa có những quy định pháp lý chặt chẽ. Việc ban hành Luật chăn nuôi rất cần thiết nếu không nói hơi muộn. Tôi thấy trong dự thảo luật cũng đã bao phạm vi điều chỉnh cũng như các đối tượng chịu tác động như quy định về giống, thức ăn chăn nuôi, các điều cấm cũng như huy động các nguồn lực xã hội vào chăn nuôi. 

Theo tôi, sau khi luật ban hành sẽ có những điều chỉnh để ngành chăn nuôi phát triển, khắc phục tồn tại lâu nay. Ví dụ như vi lượng kháng sinh quá mức cho phép, hay như thức ăn chăn nuôi kém chất lượng. Vấn đề nữa là những ảnh hưởng của ngành chăn nuôi đến vệ sinh môi trường cũng đã được quy định chặt chẽ trong luật. Tuy nhiên mới thảo luận lần đầu, hy vọng các đại biểu sẽ có nhiều đóng góp.

Theo ông cần làm gì để ổn định đầu ra để bà con yên tâm? 

- Có ba việc cần làm: Thứ nhất là quy hoạch, quy mô sao cho phù hợp. Thứ hai là dự báo nhu cầu sản phẩm của chăn nuôi và thứ ba là mở rộng thị trường. Chúng ta phải xác định thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu dân rất rộng lớn nhưng mà ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng cùng phải xác định hướng mở ra để xuất khẩu. Ví dụ năm ngoái thị trường thịt lợn xuất khẩu sang Trung Quốc không theo đường chính ngạch sẽ bị đóng cửa ngay. 

Về phía điều hành của Chính phủ thì sao, thưa ông?

- Để chăn nuôi có thể xuất khẩu phải ở quy mô trang trại, còn chăn nuôi theo hộ nhỏ lẻ thì hàng hóa không đủ để xuất khẩu. Chính phủ, cơ quan ban ngành cần xác định mặt hàng nào có thể xuất khẩu, Nhà nước làm việc này để khuyến cáo với bà con. Tiếp theo phải quy hoạch quy mô chăn nuôi và thu hút các nguồn lực, trong đó có cả nguồn lực nhà nước hỗ trợ. Rồi cần có chính sách thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư vào chăn nuôi. Phía Nhà nước đồng thời tăng cường công tác quản lý để đảm bảo chăn nuôi đúng với quy chuẩn, tiêu chuẩn và các điều kiện để có thể xuất khẩu. Đó là những yếu tố tôi nghĩ rất cần thiết.

Vai trò của Nhà nước trong yếu tố thị trường thì sao, thưa ông?

- Ngoài ra Nhà nước phải làm tốt chức năng tìm kiếm thị trường, việc này mà để người dân làm thì rất khó. Lâu nay khâu này của chúng ta rất hạn chế, người dân vẫn lúng túng trong việc tìm kiếm thị trường. Nếu cứ để người dân tự mò mẫm thì không thể đưa sản phẩm của chúng ta ra nước ngoài.

Yếu tố nữa là vốn, theo tôi Nhà nước phải lo một số khâu và có chính sách về tín dụng chứ không thể đầu tư trực tiếp để khuyến khích người dân. Ví dụ như ưu đãi tín dụng, ưu đãi về chính sách đất đai để người dân chăn nuôi tập trung.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Đọc thêm