Đề phòng kẻ xấu xúi bẩy trong vụ tái định thương chợ Đà Lạt

Báo PLVN số 342  đăng bài phản ánh những băn khoăn, thắc mắc của tiểu thương khu C, chợ Đà Lạt về việc tái định thương và hướng giải quyết của chính quyền là thấu tình, đạt lý. Nhưng đến ngày 15/12, mới có hơn 40 hộ đồng ý…

Báo PLVN số 342  đăng bài phản ánh những băn khoăn, thắc mắc của tiểu thương khu C, chợ Đà Lạt về việc tái định thương và hướng giải quyết của chính quyền là thấu tình, đạt lý. Nhưng đến ngày 15/12, mới có hơn 40 hộ đồng ý…

Phân vân vì bị xúi bẩy

Trao đổi với PLVN, một số tiểu thương cho biết, nguyên nhân là do từ khi thông báo đến lúc đăng ký và đóng tiền ký quỹ quá ngắn, không kịp để bà con chuẩn bị. Bên cạnh đó, một số bà con vẫn thắc mắc và bị một số đối tượng xúi đừng vội đăng ký để chờ Nhà nước đền bù, hỗ trợ từ tiền bán đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo Trưởng Ban quản lý chợ Đà Lạt (BQL) Nguyễn Quốc Hùng: UBND TP Đà Lạt đã thống nhất gia hạn thời gian đăng ký cho bà con đến hết ngày 22/12/2011. Các hộ đăng ký từ ngày 2/12-15/12 sẽ được bốc thăm chọn quầy lần thứ nhất vào ngày 16/12. Các hộ đăng ký từ 16/12-19/12 được bốc thăm chọn quầy lần thứ hai vào ngày 19/12. Các hộ đăng ký từ 20/12-22/12 được chọn quầy trực tiếp trong số quầy còn lại, không phải bốc thăm.

Sau ngày 22/12, nếu số lượng quầy tái định thương vẫn chưa đăng ký hết, BQL sẽ phối hợp với nhà đầu tư xin ý kiến của UBND TP Đà Lạt công bố cho các đối tượng có nhu cầu đăng ký với mức giá mới do nhà đầu tư đưa ra với dự kiến tăng 30% so với giá tái định thương hiện do UBND TP phê duyệt.

Còn lãnh đạo các cơ quan chức năng của TP Đà Lạt khẳng định: Hợp đồng thuê quầy của các tiểu thương khu C, chợ Đà Lạt đã hết từ năm 2006. Thời gian qua và hiện nay, Nhà nước cho thuê quầy hàng năm nên các tiểu thương chỉ là đối tượng thuê mặt bằng kinh doanh, chứ không phải là đối tượng có quyền sử dụng đất (QSDĐ), nên không được hưởng chính sách đền bù, hỗ trợ.

Tiền đấu giá QSDĐ khu C chợ Đà Lạt phải nộp vào ngân sách và được phân bổ theo kế hoạch và luật định, không thể dùng để hỗ trợ cho các đối tượng tái định thương, mà chỉ ưu tiên cho các hộ được tiếp tục thuê mặt bằng kinh doanh với giá ưu đãi theo nguyên tắc: Nhà đầu tư chỉ được tính tiền thuê đất, chi phí xây dựng, các chi phí khác, không được tính lợi nhuận.

Về thắc mắc của tiểu thương:“Nhà đầu tư yêu cầu đóng 30% tổng số tiền thuê trong vòng 6 tháng, chia ra làm 4 đợt, trong đó đợt 1 ký quỹ 30.000.000đ và 70% tiền thuê sẽ đóng sau khi nhận quầy, là hình thức huy động vốn của nhà đầu tư?”, ông Nguyễn Đăng Chính- Trưởng BQL dư án Dalat Center giải thích: “Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.200 tỉ đồng. Số tiền 30% thuê quầy mà bà con tiểu thương đóng nếu thu đủ chỉ đạt khoảng 35 tỉ đồng.

Số tiền đợt 1 nếu thu đủ chỉ đạt khoảng 9 tỉ đồng, nên số tiền ký quỹ mà tiểu thương đóng đợt 1 chiếm khoảng 0,7% tổng mức đầu tư và tổng số tiền thu cho đến khi tiểu thương nhận quầy là 3% tổng mức đầu tư của dự án. Như vậy, tiền thu ban đầu đối với tiểu thương không thể gọi là huy động vốn”

Cam đoan tiến độ và đảm bảo giá thuê

Chúng tôi đặt câu hỏi: “Dự án thi công 1 năm mới xong việc khoan cọc phần móng, thời gian còn lại chỉ có 1 năm liệu có thi công xong 4 tầng của chợ truyền thống?”, ông Chính cho biết: “Kế hoạch của nhà đầu tư như sau: Phần cọc móng 10 tháng, phần 4 tầng chợ truyền thống 12 tháng, phần cao 10 tầng còn lại 12 tháng. Đến nay tiến độ đang được bảo đảm. Dự án Dalat Center gặp khó khăn sau khi khởi công mất gần 4 tháng chậm tiến độ do giải phóng, bàn giao mặt bằng. Do gặp phải nhiều khó khăn nên thực tế thời gian để hoàn thành móng cọc chỉ mất khoảng 6 tháng.

Như vậy, đúng tiến độ đã đề ra là 10 tháng. Chi phí cho thi công móng cọc và giai đoạn 1 của công trình là hơn 200 tỉ.  Xét về thời gian và kinh phí thi công móng cọc cho thấy, dù kinh phí chiếm đến 30% giá trị xây lắp, nhưng phần móng chỉ thi công thực tế có 6 tháng. Điều đó cho thấy năng lực của nhà thầu và quyết tâm của nhà đầu tư”- ông Chính nói.

Nói về băn khoăn của tiểu thương rằng giá thuê quầy quá cao, ông Chính phân tích, giá thuê bình quân 20 năm mỗi quầy là 350 triệu đồng. Như vậy giá thuê bình quân là 1,4 triệu đồng/tháng, tương đương 46.600đ/ngày, chưa bằng 2 tô phở thì rõ ràng là không cao. Nếu so với giá thuê trước đây ở khu C chợ Đà Lạt trong điều kiện tạm bợ là tương đương. Nếu so với giá sang nhượng quầy có diện tích tương đương ở khu B hiện nay khoảng từ 400- 600 triệu đồng/quầy thì có phần rẻ hơn.

Thiết nghĩ, với những cam kết và ưu đãi như trên, tiểu thương nên sớm đăng ký vào chợ và cần cảnh giác với những kẻ xấu xúi bẩy, gây thiệt hại cho bà con. Đồng thời, cơ quan chức trách cần phải có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng này.

Nhóm PV



 

Đọc thêm