Để sông Tô Lịch trong xanh không còn là giấc mơ

(PLVN) - Cuối tháng 7/2024, sau những cơn mưa của cơn bão số 2, nước sông Tô Lịch dâng cao và đổi màu xanh. Từ lâu nay, người Hà Nội, ai cũng mơ một ngày dòng sông hồi sinh như trong câu ca: “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/Cho thuyền anh ghé sát thuyền em…”.
Hồi sinh sông Tô Lịch - vấn đề “nóng” của Hà Nội. (Ảnh: DT)

Từ “sông thiêng” thành “sông chết”

Theo sử sách, khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình ra thành Đại La không phải đi theo sông Hồng, mà theo sông Đáy lên phía bắc, đến mạn Phủ Lý chuyển sang sông Nhuệ rồi ngược sông Nhuệ rẽ vào sông Tô Lịch. Khi thuyền vua đến ngã ba sông Tô Lịch và sông Thiên Phù, đứng nhìn về tòa thành to lớn, có đám mây ngũ sắc hình rồng bay lên, vua đã cảm khái đặt tên cho tòa thành là Thăng Long, tức là rồng bay lên.

Trong “Hồng Đức bản đồ”, sông Tô Lịch là một nhánh của sông Hồng và là tuyến đường thủy giao thương quan trọng cho thuyền bè các nơi cập bến Cầu Đông, vào Hoàng Thành. Con sông này còn dẫn nước sông Hồng cho hồ Tây. Vùng hồ Tây rộng lớn đóng vai trò hồ điều tiết lũ lụt của kinh thành. Khi nước sông Hồng lên, nước theo sông Tô Lịch tràn vào hồ Tây và thoát một phần theo hướng sông Nhuệ, sông Đáy. Khi lũ xuống, nước trong hồ lại chảy ngược ra.

Ngày 23/7/1893, Hội đồng nhân dân thành phố (TP) Hà Nội họp và đi đến quyết định phá bỏ 4 bức tường thành Hà Nội. Tường thành bị phá dỡ, các hào nước quanh thành bị lấp thành các tuyến phố (gồm các phố Đường Thành, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ ngày nay). Đoạn từ cửa sông Tô Lịch nối với sông Hồng chảy qua khu vực phố cổ cũng bị lấp, lòng sông giờ đã thành lòng phố và chỉ còn một vài địa danh liên quan đến dòng sông xưa như phố Chợ Gạo, phố Cầu Đông, Cống Chéo, Hàng Lược.

Mất nguồn nước sông Hồng, sông Tô Lịch giờ chỉ còn làm nhiệm vụ thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt cho một vùng nội thành Hà Nội, lòng sông bị bồi lấp thu hẹp dần. Sông Tô Lịch đã dần trở thành “dòng sông chết” trên thực tế và trong ký ức người dân Hà Nội từ đó…

Hồi sinh sông Tô Lịch - vấn đề “nóng” của Hà Nội

Thời gian gần đây, câu chuyện hồi sinh sông Tô Lịch đã và “nóng” trên bàn nghị sự của chính quyền TP Hà Nội và cũng là vấn đề được nhiều thế hệ người dân Thủ đô quan tâm. Việc hồi sinh sông Tô Lịch đã đi vào Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Hội đồng nhân dân TP hướng tới mục tiêu làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.

Theo các nhà khoa học, việc hồi sinh sông Tô Lịch chính là hồi sinh lại nguồn nước tự nhiên cho dòng sông. Còn nhớ, cuối những năm 1970, nếu chính quyền TP không ra tay cứu thì dòng sông đã bị bồi lấp hoàn toàn. Lúc đó, TP Hà Nội đã khơi đào lại lòng sông Tô Lịch đoạn từ chợ Bưởi tới đoạn hạ lưu Làng Lủ, Thanh Trì. Công cuộc cải tạo sông Tô Lịch kéo dài trong nhiều năm, nhiều thế hệ thanh niên Hà Nội đã đi đào sông Tô Lịch. Sau khi đào xong sông Tô Lịch, lòng sông đã rộng, nhưng vẫn không có nước chảy vào tự nhiên và một khi đã không có nước chảy tự nhiên thì dù có to rộng bao nhiêu, sông Tô Lịch cũng chỉ còn là một cái cống nước thải lộ thiên mà thôi, không thể nào trở lại như dòng sông xưa.

Vì thế, sau khi Hội đồng nhân dân TP thông qua Nghị quyết với điểm nhấn của quy hoạch là việc hồi sinh sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy, nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô, thì các phương án dẫn nước vào sông Tô Lịch đã được Sở Xây dựng TP đưa ra, trong đó ưu tiên đưa nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được xem là giải pháp và hy vọng hồi sinh dòng sông Tô Lịch và sông Lừ của Hà Nội. Với quy mô lớn, công suất xử lý 100.000m3 nước thải/ngày đêm. Đến nay, sau 8 năm xây dựng, nhà máy đã vận hành thử nghiệm; cùng với nhà máy xử lý nước thải Yên Sở đang hoạt động, kỳ vọng có thể xử lý khoảng 40% nước thải đô thị xả vào sông Tô Lịch.

Ngày 27/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nhấn mạnh Hà Nội cần phải làm tốt hơn nữa việc đầu tư cải tạo, nâng cấp để thời gian tới, môi trường, cảnh quan sông Tô Lịch có chuyển biến tích cực, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân Thủ đô. Ngày 2/12/2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP bà Bùi Thị Minh Hoài, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cùng Đoàn công tác của TP đã đi kiểm tra, khảo sát một số dự án cải tạo sông Tô Lịch. Đối với công tác bổ cập nước từ sông Hồng về sông Tô Lịch, Chủ tịch UBND TP cho biết lãnh đạo TP đã quyết định triển khai dự án khẩn cấp; giao Sở Xây dựng chủ trì với các sở, ngành, ban quản lý dự án và các địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án.

Chủ tịch UBND TP đưa ra thời hạn 3 tháng thực hiện thủ tục và 6 tháng thi công. Đến 2/9/2025 phải hoàn thành, trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào để người dân Hà Nội có lại dòng sông Tô Lịch gắn với bề dày lịch sử và văn hóa của Thủ đô. Hy vọng ngày sông Tô Lịch trong sạch trở lại sẽ không xa!

Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Là một chính khách và một nhà khoa học rất quan tâm đến vấn đề thiên nhiên, môi trường, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường phát triển cộng đồng, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội đã dành cho Báo PLVN một cuộc phỏng vấn.

Bà Bùi Thị An.

Thưa bà, vấn đề hồi sinh sông Tô Lịch luôn dành được nhiều sự quan tâm của chính quyền và người dân Hà Nội, bà đánh giá thế nào về tính cấp thiết của dự án hồi sinh sông Tô Lịch của chính quyền TP?

- Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TP. Tại nhiều tọa đàm, hội thảo, lãnh đạo TP luôn dành thời gian để lắng nghe các ý kiến của nhà khoa học, chuyên gia góp ý cho công tác đảm bảo vệ môi trường tại Thủ đô.

Theo tôi, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, Hà Nội cần chọn các vấn đề “nóng”, ưu tiên thực hiện trước, không dàn trải để tập trung nhân lực, nguồn lực giải quyết từng vấn đề. Và câu chuyện với sông Tô Lịch mà TP Hà Nội đã và đang lựa chọn, thực hiện trong thời gian qua là một ví dụ điển hình, là lựa chọn rất đúng. Hà Nội vốn đã là điểm đến hấp dẫn của du khách, nếu hồi sinh được sông Tô Lịch và một số dòng sông khác thì đó chính là một sản phẩm du lịch hấp dẫn của Thủ đô.

Nhiều quan điểm cho rằng, TP HCM đã thành công với kênh nước đen Nhiêu Lộc, mang lại cho TP một con kênh xanh xanh, thì Hà Nội cũng nhất định sẽ thành công với dự án hồi sinh sông Tô Lịch, bà có tin như vậy không?

- Sông Tô Lịch nói riêng và hệ thống sông của Hà Nội nói chung bị ô nhiễm từ nhiều năm nay do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là do hoạt động xả thải trực tiếp mà không qua xử lý. Để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm trên sông Tô Lịch, TP Hà Nội phải hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải bảo đảm đồng bộ, thực chất, tránh việc để nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá là nhiệm vụ cấp bách, nhằm triệt tiêu nguồn nước thải chảy vào hệ thống sông Tô Lịch vì khi đi vào hoạt động, hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có thể xử lý 70% lượng nước thải của toàn TP. Sau đó, triển khai các biện pháp công trình khác bổ cập nước sạch, tạo dòng chảy cho dòng sông.

Do lòng sông chứa nhiều rác thải, nước đen, bùn bám ô nhiễm nên cần phải được nạo vét thường xuyên và dùng hóa chất kết hợp khử ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc xử lý, đồng bộ, tổng thế các dòng sông trong nội đô liên quan đến sông Tô Lịch cũng vô cùng quan trọng. Bởi nếu chỉ xử lý quãng giữa nhưng đầu nguồn vẫn xả thải xuống thì sẽ không mang lại hiệu quả. Để hồi sinh sông Tô Lịch, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, có lộ trình cụ thể và kiểm soát chặt chẽ, kiên nhẫn.

Tôi tin tưởng rằng dự án hồi sinh sông Tô Lịch của TP Hà Nội là khả thi bởi hầu hết các điều kiện để tiến hành, chúng ta đã và đang chuẩn bị đầy đủ rồi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, để đảm bảo cao nhất khả năng thành công của dự án thì chính quyền TP cũng cần coi đây là công việc “nóng”, cần có chỉ đạo cụ thể từ nội dung, lộ trình, trách nhiệm và có kiểm tra đánh giá thường xuyên.

Sau khi vấn đề môi trường được xử lí thì vấn đề cảnh quan hai bên bờ sông cũng cần được quan tâm, bờ sông phải đẹp và sạch. Và điều quan trọng nhất là chính quyền TP cần phân rõ trách nhiệm quản lý dòng sông và cơ chế chịu trách nhiệm cho từng địa phương nơi dòng sông chảy qua, có thưởng, phạt nghiêm minh, có sự tham gia, giám sát của người dân.

Nếu được như vậy, Hà Nội nhất định sẽ có lại dòng sông Tô Lịch gắn với bề dày lịch sử và văn hóa của Thủ đô như lời thơ người xưa để lại: “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh/Dừng chèo muốn tỏ ân tình/Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu…”.

Xin cảm ơn bà!

H.B (thực hiện)