Số lượng tăng nhanh, chất tăng… “cầm chừng”(!?)
Nhìn chung, “số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác quản lý, lãnh đạo các cấp phát huy tốt vai trò và khả năng của mình, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần quan trọng vào sự đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị.
Đa phần cán bộ, công chức viên chức của tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành sự phân công của tổ chức, có lối sống lành mạnh, giản dị, gắn bó với nhân dân và góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh ta trong thời kỳ hội nhập nền kinh tế của đất nước với nền kinh tế của thế giới”.
Đây là những nhận xét về thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không chỉ của tỉnh Đắk Nông (như trong bài viết đăng trên website của Bộ Nội vụ) mà cũng là nhận xét của nhiều địa phương.
Nhưng với cụm từ “cán bộ tắc trách”, trong 0,47 giây, trang web tìm kiếm google tìm ra khoảng 2.220.000 kết quả liên quan. Con số cho thấy, cụm từ này không “hiếm” nghĩa là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức chưa làm đúng chức trách “công bộc của dân” vẫn còn ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Một nguyên nhân luôn được chỉ ra đầu tiên là do chất lượng cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế so với yêu cầu, áp lực công việc.
Cùng với đó chỉ tính riêng khối cơ quan hành chính nhà nước số lượng công chức, viên chức thì tăng từ 238.668 năm 2007 lên 275.620 năm 2014 (tăng 36.952 người, tỷ lệ 15,48%) nhưng công tác quản lý còn hạn chế cũng là một nguyên nhân khiến chất lượng cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều tồn tại cần khắc phục.
Có thể thấy những việc liên quan sai phạm về đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay xuất hiện chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: đất đai, xây dựng, công an, kiểm lâm, y tế, giao thông...
Trong đó, cùng với những thái độ hách dịch, phiền nhiễu, vòi vĩnh, “vô cảm”… có nhiều vụ việc cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng. ...
Bên cạnh đó, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức bớt xén thời gian làm việc, đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết công việc sai quy định, hướng dẫn, giải thích công việc cho người dân một cách lòng vòng, khó hiểu, thái độ làm việc hời hợt, thiếu nhiệt tình và thiếu hẳn tính thân thiện hoặc thiếu nhiệt tình trong việc tiếp công dân.
Đã từng có thời điểm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải cảnh báo về tình trạng “30% công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” và yêu cầu phải giải quyết triệt để. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến chất lượng của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn “dưới tầm” chủ yếu là do một số nơi người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự gương mẫu trong vấn đề đạo đức lối sống và trách nhiệm trong công việc nên đã tác động tiêu cực đến tư tưởng của cấp dưới trong thực thi nhiệm vụ.
Chưa có sự quan tâm đúng mức đối với việc giáo dục tinh thần trách nhiệm, cũng như việc xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm đạo đức công vụ chưa nghiêm nên chưa thật sự có tính răn đe, làm gương.
Thiếu những quy định cụ thể trong các đơn vị về trách nhiệm của cán bộ, công chức; cơ chế quản lý, kiểm tra giám sát của tổ chức và thủ trưởng trực tiếp cũng như của nhân dân đối với hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, chưa thường xuyên, chưa nghiêm túc và thiếu đồng bộ. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa thường xuyên và còn mang tính hình thức. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức thiếu nghiêm khắc với bản thân, không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức…
Bồi dưỡng thực chất để có cán bộ đủ năng lực
Do đó, trong các giải pháp để nâng cao, tăng cường năng lực các ngành, các hoạt động đều đặt giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên.
Thực tế cho thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức vẫn luôn được thực hiện ở nhiều cấp độ, hình thức, cả ở trong và ngoài nước, trực tiếp và gián tiếp. Chủ trương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo điều kiện, yêu cầu của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương để đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn chung và phù hợp với yêu cầu của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương.
Hiện Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm quy định về mục tiêu, nguyên tắc, chế độ, nội dung, chương trình, giảng viên, tổ chức và quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Đối tượng sẽ được áp dụng những quy định này là: Cán bộ, công chức đang công tác trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (cấp xã) và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (viên chức).
Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức. Đồng thời, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước.
Đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, bảo đảm tính tự chủ của cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế phân cấp, phân công trong tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; kết hợp phân công và cạnh tranh trong tổ chức bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm. Đề cao vai trò tự học và quyền của cán bộ, công chức, viên chức trong việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm. Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Dự thảo đề xuất chế độ bồi dưỡng như sau: Tập sự; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; Bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; Bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm (thời gian thực hiện tối thiểu là 1 tuần/l năm; 1 tuần được tính bằng 5 ngày học, 1 ngày học 8 tiết). Thời gian tham gia các khóa bồi dưỡng khác nhau, hội thảo, hội nghị về công tác đào tạo, bồi dưỡng được cộng dồn để tính thời gian thực hiện chế độ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm.
Bên cạnh công tác bồi dưỡng, đại diện nhiều Sở Nội vụ cùng kiến nghị hoàn thiện cơ chế đánh giá nhận xét cán bộ, công chức, viên chức đưa ra chuẩn mực cụ thể bằng các văn bản luật để làm căn cứ đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cuối năm, tránh tình trạng đánh giá chung chung, cả nể và bao che khuyết điểm, hạn chế.
Đồng thời, để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, nguyên Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ Tô Tử Hạ cho rằng, tăng cường việc đào tạo và bồi dưỡng công chức theo các hướng: đào tạo công chức ngạch chuyên viên cấp cao và chuyên viên chính tại Học viện Hành chính quốc gia. Mỗi một ngạch nên có thời gian đào tạo 02 năm, một năm nghiên cứu tại học viện, một năm cử xuống làm trợ lý cho Chủ tịch UBND các tỉnh hoặc làm việc tại các Sở Nội vụ của các tỉnh và thành phố lớn. Bộ Nội vụ bàn với Bộ Giáo dục và Đào tạo cử một số người sang học ở các trường hành chính của các nước có nền hành chính công tốt như Pháp, Mỹ, Singapore, v.v…
Bên cạnh đó, Học viện Hành chính quốc gia cần có một trường bồi dưỡng cán bộ công chức hành chính về kỹ năng và nghiệp vụ. Muốn trường này thực hiện được nhiệm vụ cần bắt đầu thực hiện từ việc đào tạo giáo viên, soạn thảo các chương trình. Vì “hiện nay công chức hành chính nước ta rất yếu về kỹ năng thực hiện. Một công chức hành chính có phẩm chất, tài năng và thành thạo nghề nghiệp không chỉ có hiểu biết về lý thuyết mà phải có cả khả năng thực hành. Hệ các trường thực hành này rất phát triển và có nhiều kinh nghiệm tại Singapore. Nếu thực hiện được những điều nói trên thì sẽ tránh được tình trạng việc soạn thảo các chính sách, quy định của Nhà nước xa rời thực tế như một số trường hợp đã xảy ra” – ông Tô Tử Hạ nêu.
Hơn nữa, trong chương trình đào tạo và bồi dưỡng công chức phải có giáo trình đào tạo về hội nhập quốc tế vì hiện nay nước ta đã hội nhập sâu vào thế giới bằng các hiệp định thương mại và tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh đến việc chú trọng cải tiến về chế độ thi tuyển công chức, có sự “chú trọng các nguyên tắc bình đẳng, công khai; các đề thi phải phân loại được trình độ cùng với việc thi các hiểu biết thì nên nghiên cứu các đề thi về kỹ năng. Mặc dù tốn kém nhưng cố gắng xây dựng một ngân hàng đề thi để tổ chức thi chung cho cả nước” để có được đội ngũ cán bộ, công chức, viên “chuẩn” ngay từ đầu vào, làm cơ sở cho việc bồi dưỡng, nâng cao trong quá trình hoạt động.
Đạo đức công vụ phải đặt hàng đầu
Cũng theo ông Tô Tử Hạ, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức là yếu tố cốt lõi bảo đảm cho hoạt động và quản lý nhà nước có hiệu quả. Trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi có những cơ chế, quy định pháp luật tốt hơn, phù hợp hơn để duy trì và phát huy cao nhất các giá trị cơ bản của nền công vụ - một nền công vụ vì dân. Việc hình thành nên các chuẩn mực về tư cách đạo đức công vụ của người cán bộ, công chức là rất quan trọng.
Vì vậy, để nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức cần xây dựng và ban hành Luật đạo đức công vụ trên cơ sở các quy định đã có về đạo đức cán bộ, công chức và công vụ đã được quy định ở Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Đổi mới và cải cách công tác quản lý cán bộ, công chức ở tất cả các khâu từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đánh giá và giải quyết các chính sách, chế độ theo đúng các nguyên tắc trong thi hành công vụ như: tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát... để giảm thiểu tối đa các tiêu cực phát sinh trong hoạt động của nền công vụ;
Tăng cường hệ thống thanh tra công vụ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra. Thanh tra, kiểm tra thường xuyên và định kỳ các hoạt động công vụ; Chú trọng công tác khen thưởng và xử lý vi phạm, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật; nêu cao đạo đức công chức, công vụ, khen thưởng, động viên kịp thời gương người cán bộ, công chức mẫn cán với công vụ.
Làm được những điều này, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức sẽ không chỉ tăng lên mà còn có sự thay đổi về chất để thực sự có những cán bộ, công chức, viên chức của một nền hành chính “vì dân” thời hội nhập./.