Trụ sở tiếp công dân TƯ tạo điều kiện để “đi tới cùng vụ việc”

(PLO) - Hôm qua (6/7), tại Hà Nội, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai LS, luật gia tư vấn pháp lý cho công dân đến khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở tiếp công dân TƯ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Liên đoàn LS Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, tại Trụ sở tiếp công dân TƯ ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có 243 LS tham gia tư vấn pháp lý cho hơn 1.600 lượt người dân. Sau khi được tư vấn, đa số người dân đã nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của họ, từ đó thay đổi thái độ ứng xử với các cơ quan nhà nước, một số người tự nguyện về quê, không tiếp tục khiếu kiện nữa.

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều vụ việc khiếu kiện đã nhiều năm, rất nhiều công văn từ TƯ chuyển về địa phương nhưng chính quyền vẫn không giải quyết dứt điểm dù “vụ việc đúng mười mươi”. “Cái khó trong việc tiếp công dân hiện nay là chưa có Tư lệnh để lắng nghe dân phản ánh, từ đó có chỉ đạo xuống các cấp, các ngành giải quyết dứt điểm. Vì vậy, vụ việc cứ bị đùn đẩy từ nơi này đến nơi khác, dân khiếu nại vẫn tiếp tục khiếu nại. Trong khi một số cấp chính quyền chưa thật tuân thủ và tôn trọng quy định của Luật Tiếp công dân”- LS Nguyễn Văn Xứng (Đoàn LS TP Hải Phòng) nhìn nhận.

Khẳng định việc người dân tìm đến Trụ sở tiếp công dân TƯ có nhiều người bị oan ức, nhưng ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân TƯ (Thanh tra Chính phủ) cũng thừa nhận có cả người lợi dụng, đòi “thắng thua” với Nhà nước.

Nhiều người khiếu nại biết rất rõ là Trụ sở tiếp dân của TƯ không phải là cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, nhưng họ vẫn đến, và khi không được giải quyết thì lập tức “trở mặt”. “Cán bộ của tôi bị chém ngay cả khi đang tiếp dân. Bản thân tôi là Trưởng ban Tiếp công dân TƯ còn bị hành hung ngay tại trụ sở. Tổn thương đối với cá nhân chúng tôi chưa là gì so với tổn hại tới uy tín của cơ quan nhà nước”- ông Nguyễn Hồng Điệp than thở. 

Các LS cũng đã chỉ ra không ít hạn chế, bất cập trong công tác tư vấn pháp lý cho người dân, trong đó có việc LS không thể nắm được hết nội dung vụ việc đã khiếu kiện nhiều năm khiến người dân được tư vấn “bực bội và sửng cồ” với cả LS. Vì vậy, LS Đỗ Ngọc Thịnh – Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam đề xuất Thanh tra Chính phủ nên chuyển hồ sơ, tài liệu cho LS nghiên cứu trước, sau đó hẹn gặp công dân có đơn để LS trao đổi, vừa tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho người dân, vừa giữ uy tín của LS. 

Bên cạnh đó, “ngoài việc tư vấn theo diện rộng, Thanh tra Chính phủ và Liên đoàn LS Việt Nam nên chọn một vài vụ việc điển hình để tư vấn đến kết quả cuối cùng, giúp cơ quan nhà nước giải quyết dứt điểm việc khiếu nại của dân, qua đó rút kinh nghiệm để việc trợ giúp có hiệu quả và thiết thực hơn trong thời gian tới” – cả LS Đỗ Ngọc Thịnh và ông Nguyễn Hồng Điệp cùng kiến nghị.

Đọc thêm