Đề xuất bỏ nhiều “ràng buộc” trong kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe

(PLO) - Nhiều điều kiện trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe được cộng đồng doanh nghiệp đề xuất bãi bỏ nhằm phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện phát triển dịch vụ này.
Ảnh minh họa

Không can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp

Về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, theo khoản 3 Điều 1 Dự thảo sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP,  sân tập lái xe phải đáp ứng điều kiện “thuộc quyền sử dụng của cơ sở đào tạo lái xe; nếu thuê sân tập lái phải có hợp đồng với thời hạn từ 03 năm trở lên”. 

So với quy định hiện hành, Dự thảo đã bỏ yêu cầu phải phù hợp với mạng lưới quy hoạch của cơ sở đào tạo lái xe và giảm thời hạn thuê từ 5 năm xuống còn 3 năm. Việc sửa đổi này là tích cực, tiến bộ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để điều kiện này thực sự phù hợp, đề nghị xem xét lại quy định cứng về thời hạn hợp đồng thuê sân tập (tối thiểu 3 năm).

Lý giải trong văn bản góp ý Dự thảo Nghị định, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc áp đặt thời hạn tối thiểu của hợp đồng là can thiệp vào quyền tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng dân sự. Về mục tiêu quản lý, có thể suy đoán, quy định này nhằm xác định tính ổn định của quyền sử dụng sân tập của cơ sở đào tạo lái xe, tuy nhiên cách thức quy định lại chưa thực sự hợp lý.

Trong mối quan hệ thuê tài sản, các bên có thể thỏa thuận về thời hạn của hợp đồng thuê, Nhà nước không nên can thiệp. Mặt khác, ngay cả khi các bên thỏa thuận với thời hạn từ 03 năm trở lên thì trong quá trình thực hiện, một trong các bên có thể vi phạm hợp đồng, lúc này thời hạn thuê tối thiểu như quy định cũng không có nhiều ý nghĩa.

Đối với điều kiện này, Nhà nước chỉ cần yêu cầu cơ sở đào tạo lái xe có quyền sử dụng sân tập, còn quyền sử dụng theo phương thức nào là quyền tự quyết của cơ sở đào tạo. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị bỏ điều kiện “nếu thuê sân tập lái phải có hợp đồng với thời hạn từ 03 năm trở lên”.

Quy định thiếu rõ ràng có thể tạo nên quy trình thiếu minh bạch

Khoản 6 Điều 1 Dự thảo sửa đổi khoản 1 Điều 10 Nghị định 65/2016/NĐ-CP  quy định về hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe. Theo đó, trong  hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe trong trường hợp bị mất, bị hỏng, phải cung cấp “Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định”. 

Các chuyên gia pháp luật bày tỏ băn khoăn, tại sao trường hợp này lại phải cung cấp Giấy chứng nhận sức khỏe, trong khi nếu không bị mất, hỏng, thì trong quá trình sử dụng Giấy chứng nhận giáo viên không cần phải chứng minh có sức khỏe? Yêu cầu loại Giấy chứng nhận sức khỏe khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại do hỏng, mất sẽ gây thêm khó khăn cho người thực hiện. Vì thế, các ý kiến cho rằng cần xem xét bỏ yêu cầu phải có “Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định” trong Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe trong trường hợp bị mất, hỏng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 65/2016/NĐ-CP thì để được cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe, cá nhân/cơ sở đào tạo lập hồ sơ gửi tới cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, Nghị định 65/2016/NĐ-CP chưa quy định rõ từ khi nhận hồ sơ cho đến khi tổ chức đánh giá, kiểm tra là bao lâu.

Theo VCCI, nếu không quy định rõ thì liệu quyền quyết định có hoàn toàn nằm trong tay của cơ quan có thẩm quyền? Việc thiếu rõ ràng trong quy định về thời hạn này khiến cho quy trình cấp Giấy chứng nhận giáo viên thực hành lái xe trở nên thiếu minh bạch và người đề nghị cấp Giấy chứng nhận không thể biết được từ khi gửi hồ sơ thì bao lâu họ sẽ được đánh giá và cấp Giấy chứng nhận. Đây là quy định cần làm rõ trong quá trình sửa đổi Nghị định 65/2016/NĐ-CP lần này.  

Đọc thêm