Theo Bộ Quốc phòng, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 56/2013/NĐ-CP, Chủ tịch nước đã ban hành quyết định tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho hơn 88.400 bà mẹ; các trường hợp được tặng, truy tặng đều đảm bảo đúng điều kiện, tiêu chuẩn được quy định tại Pháp lệnh và Nghị định số 56/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, một số trường hợp chưa thể xem xét giải quyết, chủ yếu là do đối tượng chưa được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành hoặc hồ sơ không đủ căn cứ.
Quá trình tổ chức thực hiện còn một số vướng mắc, tập trung vào một số vấn đề, cụ thể: việc người kê khai đề nghị truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và người nhận hưởng các chế độ, chính sách có liên quan; về việc xác nhận nuôi con nuôi; trong việc xét tặng hoặc truy tặng đối với trường hợp bà mẹ có chồng, con tham gia hàng ngũ của địch; các trường thông tin trong mẫu biểu, bản khai, số lượng hồ sơ chưa phù hợp với các quy định của Luật Căn cước năm 2023, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và việc đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Bộ Quốc phòng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung gồm: trường hợp bà mẹ có chồng, con tham gia hàng ngũ địch; người kê khai đề nghị xét truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"; mẫu biểu, hồ sơ và nơi tiếp nhận hồ sơ xét duyệt; một số nội dung liên quan đến việc giao các Bộ có thẩm quyền hướng dẫn việc xét tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".
Theo Tờ trình dự thảo, một số bộ ngành, địa phương (Bộ Nội vụ và một số địa phương: Long An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Tiền Giang, Nghệ An, Hải Phòng, Ninh Bình) đề xuất bổ sung thêm đối tượng, điều kiện xét tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, như: Mẹ kế nuôi con của chồng; bà, cô, dì, thím nuôi cháu…. Về việc này, Bộ Quốc phòng đề nghị không đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định, do nằm ngoài phạm vi quy định của Nghị định.
Theo Bộ Quốc phòng, đối tượng, điều kiện đề nghị xét tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được quy định tại Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; khi đề xuất xây dựng Pháp lệnh, các ban, bộ, ngành Trung ương đã nghiên cứu rất kỹ, việc vinh danh “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” phải dựa trên cơ sở quan hệ “Mẹ - Con” là quan hệ trung tâm, phản ánh sự hy sinh, cống hiến của bà mẹ.
Mặt khác, việc bổ sung mở rộng đối tượng, điều kiện xét tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” sẽ hạ thấp tiêu chí, tiêu chuẩn xét, phần nào đó sẽ giảm giá trị, ý nghĩa của danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Đối với nội dung đề xuất bổ sung quy định về kinh phí xây vỏ mộ, chế độ thờ cúng hằng năm khi “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” từ trần (các tỉnh Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Quảng Ninh đề nghị), Bộ Quốc phòng đề nghị không đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định, do nằm ngoài phạm vi quy định của Nghị định.
Theo Bộ Quốc phòng, về chế độ ưu đãi đối với “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; khi xây dựng Pháp lệnh, các ban, bộ, ngành Trung ương đã nghiên cứu đề xuất chế độ với bà mẹ đảm bảo cân đối và tương đồng với các đối tượng người có công khác, như: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Dự thảo đang được lấy ý kiến góp ý dự thảo trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng.