Đề xuất cách thức xử lý tài sản, tài chính khi giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Thông tư Hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL); xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Ahr minh họa
Ahr minh họa

Phân loại mức độ tự chủ của ĐVSNCL

Theo Dự thảo, chính sách áp dụng với những đối tượng sau: ĐVSNCL quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện theo quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan; Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện chế độ báo cáo.

Đáng chú ý, về phân loại mức độ tự chủ tài chính Dự thảo đưa ra hướng dẫn tương đối cụ thể một số nội dung.

Theo đó, nguồn thu ĐVSNCL xác định mức độ tự chủ tài chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, trong đó: Kinh phí cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11, điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP;

Trường hợp ĐVSNCL có chức năng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo danh mục được cấp có thẩm quyền ban hành nhưng chưa đủ điều kiện được đặt hàng do chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá do cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ĐVSNCL được giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN có tính đặc thù theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì nguồn thu xác định mức độ tự chủ tài chính bao gồm kinh phí giao nhiệm vụ.

Trong khi đó, các khoản chi xác định mức độ tự chủ tài chính quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, trong đó bao gồm: Chi thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo danh mục được cấp có thẩm quyền ban hành.

Quy trình xử lý tài sản, tài chính khi giải thể

Đáng chú ý, Dự thảo Thông tư đưa ra quy định việc xử lý về tài sản và tài chính khi tổ chức lại ĐVSNCL dưới hình thức chia, tách, sáp nhập, hợp nhất. Theo đó, ĐVSNCL thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản công và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên xem xét, quyết định phương án xử lý tài sản theo một hoặc các phương thức quy định từ Điều 48 đến Điều 53 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản công tại ĐVSNCL thực hiện theo quy định tại Điều 55 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Về xử lý về tài chính, ĐVSNCL (cũ) bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất có trách nhiệm: Lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán theo quy định của chế độ kế toán ĐVSNCL; Báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện quyết toán hoặc kiểm tra, xác định các khoản kinh phí được cấp; Có văn bản đề nghị cơ quan thuế thực hiện quyết toán hoặc kiểm tra, xác định các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định; Kiểm kê số dư bằng bằng tiền của Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ khen thưởng, phúc lợi, Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ đặc thù, Quỹ khác và số dư nguồn cải cách tiền lương.

Cũng theo Dự thảo, ĐVSNCL (cũ) bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất phải bàn giao đầy dủ, nguyên trạng tài sản, công nợ, quyền sử dụng đất, các hợp đồng kinh tế, các quyền, nghĩa vụ khác cho ĐVSNCL (mới) kèm theo hồ sơ, chứng từ có liên quan. ĐVSNCL (mới) hình thành sau chia, tách, sáp nhập, hợp nhất có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa toàn bộ tài sản (kể cả tài sản hư hỏng, kém, mất phẩm chất, không cần dùng, chờ thanh lý), các khoản công nợ phải thu, phải trả và các nghĩa vụ khác của đơn vị bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất. Sau khi nhận bàn giao, đơn vị sự nghiệp công (mới) có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại về tài chính theo các quy định hiện hành.

Đối với vấn đề xử lý tài về chính của ĐVSNCL khi giải thể, theo Dự thảo, ĐVSNCL thực hiện như quy trình xử lý tài chính khi tổ chức lại ĐVSNCL. Riêng đối với số dư bằng bằng tiền của Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ khen thưởng, phúc lợi, Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ đặc thù, Quỹ khác và số dư nguồn cải cách tiền lương, đơn vị thực hiện như sau:

Số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi được sử dụng để bù đắp các khoản đã chi vượt chế độ cho người lao động (nếu có), chi cho người lao động theo chế độ quy định đối với ĐVSNCL, phần còn lại chia cho người lao động đang làm việc theo số tháng làm việc tại ĐVSNCL chuyển đổi. Việc chi số dư bằng tiền của các Quỹ cho người lao động được hoàn thành trước thời điểm giải thể ĐVSNCL;

Số dư bằng tiền của Quỹ bổ sung thu nhập/Quỹ dự phòng ổn định thu nhập được chia cho người lao động đang làm việc theo Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sự nghiệp công tối đa không quá 6 tháng lương thực hiện, phần còn lại (nếu có) được nộp vào ngân sách nhà nước; Số dư bằng tiền của Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, số dư nguồn cải cách tiền lương được nộp vào ngân sách nhà nước; Số dư các Quỹ đặc thù và Quỹ khác theo quy định của pháp luật; Các khoản công nợ (nợ thuế, nợ phải trả khác…) thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 47 và khoản 1 Điều 48 Luật Kế toán năm 2015 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Đọc thêm