Đề xuất cấm thuốc trừ cỏ chứa Glyphosate: Cần rà soát kỹ trước khi đưa ra khỏi danh mục

(PLVN) - Một loại thuốc diệt cỏ đã được sử dụng 1/4 thế kỷ ở Việt Nam và chiếm tới 60% lượng rải xuống ruộng đồng trong nhóm thuốc trừ cỏ vừa bị Cục Bảo vệ thực vật (Cục BVTV), Bộ NN&PTNT đề xuất cấm sử dụng. Câu chuyện làm sao để đảm bảo quản lý thuốc BVTV hiệu quả nhưng không ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nông dân tiếp tục là chủ đề đang tranh cãi.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đề xuất cấm vì lo ngại gây ung thư 

Cục BVTV vừa có Công văn số 682 yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV báo cáo chi tiết về tình hình sản xuất, lưu trữ trong kho hoặc lưu thông, buôn bán trên thị trường đối với thuốc BVTV có chứa hoạt chất Glyphosate của tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký; báo cáo tình hình nhập khẩu theo các hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài. 

Cục BVTV cũng yêu cầu các doanh nghiệp tạm thời chưa thực hiện ký kết các hợp đồng nhập khẩu, sản xuất với đối tác nước ngoài cho đến khi có quyết định quản lý hoạt chất trên tại Việt Nam.

Lý do để đưa ra yêu cầu này theo công văn là nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và môi trường, hệ sinh thái theo đúng quy định của pháp luật về quản lý thuốc BVTV và có căn cứ báo cáo Bộ NN&PTNT đề xuất các biện pháp hiệu quả để quản lý thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate. 

Theo tìm hiểu của PV được biết, trong hai phiên tòa vào cuối năm ngoái tại Mỹ, Bồi thẩm đoàn Tòa án San Francisco đã phán quyết hai trường hợp liên quan đến Glyphosate, được kinh doanh dưới tên sản phẩm Roundup do Monsanto sản xuất đã gây ra bệnh ung thư cho người sử dụng loại thuốc trừ cỏ này. Thông tin phiên tòa tại Mỹ đã làm dấy lên những lo ngại về việc sử dụng thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate. Và, đây được cho là lý do chính khiến cơ quan quản lý lĩnh vực thuốc BVTV của Việt Nam ban hành văn bản với nội dung nói trên. 

Được biết, thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate đã được sử dụng tại Việt Nam từ năm 1994. Theo thống kê, lượng rải xuống ruộng đồng của loại thuốc này lên đến 30.000 tấn/năm, chiếm 30% lượng thuốc BVTV nói chung và chiếm tới 60% trong nhóm thuốc trừ cỏ. Các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất loại thuốc diệt cỏ này đã phải tuân thủ một quy trình kiểm tra khắt khe của Bộ NN&PTNT trước khi được đưa vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. 

Còn nhiều tranh cãi

Theo tìm hiểu của PV Báo PLVN, tính đến tháng 2/2018, có 234 hoạt chất với 713 tên thương phẩm là thuốc trừ cỏ được Bộ NN&PTNT phê duyệt và đưa vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Riêng hoạt chất Glyphosate (min 95%) có tới gần 100 tên thương phẩm nằm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.

Theo Cục BVTV, đối với việc quản lý thuốc BVTV nói chung và nhóm thuốc trừ cỏ, trong đó có hoạt chất Glyphosate, lâu nay, Việt Nam phải thực hiện đúng theo quy định của luật pháp cũng như thông lệ quốc tế. Trên cơ sở Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Cục BVTV đã tiến hành rà soát lại toàn bộ danh mục thuốc BVTV và xác định các hoạt chất có đầy đủ bằng chứng về mặt khoa học gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường… để tiến hành loại bỏ khỏi danh mục được phép sử dụng.  

Đến nay, Cục này đã loại bỏ 6 hoạt chất ra khỏi danh mục với số lượng tên thương phẩm lên đến 1.024. Cục BVTV cũng hoàn chỉnh 6 báo cáo kỹ thuật về 4 hoạt chất và 3 hoạt chất khác (trong đó có Glyphosate) cũng đang được rà soát kỹ càng để báo cáo Bộ NN&PTNT cân nhắc, xem xét loại bỏ ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. 

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV xác nhận thông tin này và cho hay: Cục đã báo cáo với Bộ NN&PTNT về tình hình nhập khẩu và kinh doanh các loại thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate để tiến tới cấm sử dụng, loại bỏ Glyphosate khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. 

Theo một số chuyên gia về lĩnh vực BVTV, nếu như Việt Nam cấm hoạt chất Glyphosate, thì sẽ phải khuyến cáo nông dân sử dụng các hoạt chất khác để thay thế. Tuy nhiên, chi phí sẽ cao hơn và hiệu quả diệt cỏ sẽ không bằng thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất Glyphosate. Trong khi đó, một số doanh nghiệp đang nhập khẩu và sản xuất loại thuốc trừ cỏ này lại cảm thấy lo lắng với đề xuất mà Cục BVTV vừa đưa ra. 

Theo các doanh nghiệp này, thuốc Glyphosate đã được Cục BVTV đánh giá hồ sơ độc lý trước khi cho nhập và sử dụng, nhưng từ một phán quyết còn tranh cãi từ Mỹ, Cục đã ban hành văn bản với nội dung trên thì các thiệt hại của doanh nghiệp nhập khẩu, ảnh hưởng đến việc thay đổi đột ngột phương thức canh tác của người dân. Để tránh thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, người dân, các doanh nghiệp này đề nghị Cục BVTV cần đưa ra những cơ sở pháp lý vững vàng cùng một lộ trình hợp lý. 

Ông Nguyễn Xuân Hồng - nguyên Cục trưởng Cục BVTV - cũng cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều tranh cãi, cơ quan quản lý cần tăng cường hợp tác trao đổi thông tin với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các tổ chức về sức khỏe, bảo vệ môi trường xem các tổ chức này khuyến cáo ứng xử với Glyphosate như thế nào để sau đó có những cơ sở nhất định tham mưu để có những quyết định phù hợp. 

“Cần theo dõi chặt tình hình hoạt chất Glyphosate phản ứng như thế nào, các công trình nghiên cứu của các nước khác cũng như các tổ chức quốc tế là những tài liệu tham khảo rất giá trị để xem xét có nên loại bỏ hoạt chất Glyphosate ra khỏi danh mục thuốc BVTV hay không. Nếu như chưa có hoạt chất nào thay thế Glyphosate tốt hơn thì cũng còn phải xem xét chứ không phải vì một thông tin nào đó mà vội vàng cấm ngay”- nguyên Cục trưởng Cục BVTV nêu ý kiến.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo liên quan đến thông tin Bồi thẩm đoàn Tòa án ở San Francisco (Mỹ) kết luận thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto - công ty sản xuất chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam - là tác nhân quan trọng gây ưng thư. Phán quyết lịch sử này có thể ảnh hưởng đến hàng trăm vụ việc khác. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo chuyển thông tin này đến Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Đọc thêm