Tăng phạt tiền hay thêm hình phạt bổ sung?
Báo cáo tại cuộc họp, Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Hồng Diện nêu lên 10 vấn đề cần xin ý kiến. Riêng về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt… của 17 lĩnh vực thì hiện nay, 5 lĩnh vực có quy định thay thế (luật sư, đấu giá tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp và trợ giúp pháp lý), 4 lĩnh vực cần xây dựng mới (hòa giải thương mại, tiếp cận thông tin, thừa phát lại, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước).
Ngoài ra, qua công tác thanh tra cho thấy các lĩnh vực như công chứng, hộ tịch, chứng thực và một số lĩnh vực khác cũng cần phải có quy định sửa đổi, bổ sung hành vi vi phạm, tăng cường xử lý các hành vi vi phạm để bảo đảm tính răn đe, tăng cường quản lý nhà nước và trách nhiệm của doanh nghiệp, cá nhân trong các lĩnh vực hoạt động. Do đó, theo ông Diện, cần thiết phải xây dựng Nghị định thay thế.
Một trong những nội dung còn có ý kiến khác nhau là định hướng sửa đổi, bổ sung mức phạt tiền. Theo kết quả Hội nghị tổng kết thi hành Nghị định số 110, đa số ý kiến đề nghị tăng mức phạt tiền để đáp ứng yêu cầu thực tế, tăng tính răn đe. Cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, việc tăng mức phạt tiền cần phải có đánh giá, khảo sát cụ thể. Đối với một số lĩnh vực không nhất thiết phải quy định tăng mức phạt tiền mà nên quy định thêm các hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Liên quan đến các lĩnh vực điều chỉnh của Dự thảo Nghị định, qua thảo luận cũng cho thấy ý kiến khác nhau về việc quy định hay không các lĩnh vực như phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; tiếp cận thông tin; trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; thi hành án hành chính. Đáng chú ý, Nghị định 110 đã quy định xử phạt đối với hành vi làm giả giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đề nghị thành lập, đăng ký hoạt động… hoặc làm giả quyết định bổ nhiệm, chứng chỉ hành nghề, thẻ… của các lĩnh vực, hoạt động trong Nghị định. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hành vi làm giả là hành vi vi phạm pháp luật hình sự nên không quy định hành vi này tại Nghị định thay thế…
Áp dụng hài hòa giữa phạt tiền và phạt bổ sung
Tại cuộc họp, các đại biểu đều nhất trí với việc xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế và đóng góp nhiều ý kiến hoàn thiện cho Dự thảo Nghị định. Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn cho rằng, cần quy định một số lĩnh vực mới đã được định hình như thừa phát lại, bồi thường nhà nước. Riêng lĩnh vực tiếp cận thông tin, ông Sơn đề nghị cân nhắc vì theo quan điểm cá nhân của ông, lĩnh vực này không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Đối với mức phạt tiền, ông Sơn phân tích, nếu quy định tăng mức phạt sẽ khó khả thi vì tăng mức phạt thì thẩm quyền sẽ “lên” cơ quan cấp trên, cấp cơ sở sẽ ít tiến hành xử phạt. Trong khi đó, ngoài phạt tiền còn nhiều hình thức phạt bổ sung khác có thể áp dụng hài hòa, tùy thuộc vào quá trình thực thi pháp luật.
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến thì cho rằng không nên tiếp tục quy định về lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã vì đây là lĩnh vực không thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Tư pháp. Tương tự, đối với lĩnh vực tiếp cận thông tin, Luật Tiếp cận thông tin chỉ giao một phần nhỏ của quản lý nhà về theo dõi chung tình hình thi hành Luật cho Bộ Tư pháp... Qua đó, bà Yến kiến nghị, mạnh dạn rà soát “trả” các lĩnh vực về đúng địa chỉ để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Về mức phạt tiền, theo bà Yến, không thể tăng đồng đều tất cả các lĩnh vực nên phải rà soát các lĩnh vực, cần thiết mới tăng, thậm chí có thể có lĩnh vực phải hạ xuống, nhưng cũng cần tránh tư tưởng “không tăng phạt tiền sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung”.
Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh mong muốn việc xây dựng Dự thảo Nghị định phải làm sao bảo đảm tính khả thi. Đặc biệt, từ thực tiễn thanh tra chuyên ngành trong hoạt động hộ tịch, chứng thực, ông Khanh phản ánh, đoàn thanh tra, kiểm tra không thể phạt trực tiếp được trong trường hợp phát hiện hồ sơ làm sai bởi hiện nay chỉ được quyền kiến nghị, do đó ông Khanh đề xuất cho phép phạt “nguội” trong các hoạt động trên.
Lắng nghe đại diện lãnh đạo các đơn vị, nhất là ý kiến của các Thứ trưởng, Bộ trưởng Lê Thành Long nhất trí phải mô tả rõ các hành vi, đề xuất mức phạt, phân định rõ thẩm quyền để khi Dự thảo Nghị định được thông qua dễ áp dụng. Đồng tình với phát biểu của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu là trong lĩnh vực phá sản chỉ tập trung vào tăng cường quản lý với quản tài viên, Bộ trưởng tán thành chưa đưa vào quy định về lĩnh vực tiếp cận thông tin, thi hành án hành chính. Đối với mức phạt tiền, Bộ trưởng cho rằng nên tùy thuộc quá trình thực thi, chứ không câu nệ quá vào mức phạt tiền, mà tính thêm “đặc thù” để tăng giám sát pháp luật, bảo đảm xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính…