Đề xuất điều tra chống bán phá giá với thép cán nóng nhập khẩu: 8 doanh nghiệp ngành thép có đơn phản biện

(PLVN) - Tập thể 8 DN trong ngành thép gồm Cty CP Tập đoàn Hoa Sen, Cty CP Thép TVP, Cty CP Tôn Đông Á, Cty CP Thép Nam Kim, Cty Tôn Phương Nam, Cty CP Thép Bình Dương, Cty TNHH Sản xuất Lê Phan Gia Bình Dương, Cty CP Thép Việt Thành Long An (tổng sản lượng sản xuất tôn mạ ước tính chiếm 75% thị phần ngành tôn mạ tại Việt Nam) vừa gửi đơn phản biện đến Bộ Công Thương xung quanh đề xuất điều tra chống bán phá giá (CBPG) với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu.
Nhu cầu thép cán nóng trong nước hiện được đánh giá là rất lớn. (Ảnh: Mai Long)

Dẫn số liệu từ ngành Hải quan, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng như báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của các DN sản xuất thép trong nước, đơn phản biện cho rằng: Nhu cầu HRC của Việt Nam trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 11.525.018 tấn và 11.593.973 tấn. Tuy nhiên, tổng công suất thiết kế sản xuất HRC tại Việt Nam hiện chỉ là 8,2 triệu tấn/năm. Nếu các nhà sản xuất HRC trong nước vận hành tối đa công suất và chỉ bán HRC nội địa, không xuất khẩu, thì vẫn không đáp ứng được nhu cầu HRC tại Việt Nam. Cụ thể, nguồn cung HRC nội địa trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 4.887.820 tấn và 3.402.704 tấn; chỉ đáp ứng lần lượt 42% và 29% nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Các DN không đồng ý điều tra CBPG với HRC lập luận, 6 tháng đầu năm 2024, tình trạng cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu tiếp tục diễn ra. Đơn phản biện cho rằng nhu cầu thép trong năm 2024 tăng so với năm 2023 là vấn đề đã được dự báo từ trước, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ và các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; các địa phương, Bộ, ngành đồng loạt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông; từ đó góp phần thúc đẩy sản lượng thép tiêu thụ trong nước, dẫn đến nhu cầu sử dụng nguyên liệu HRC tăng.

Bên cạnh đó, việc các nhà sản xuất HRC trong nước tăng sản lượng xuất khẩu trong năm 2023 so với 2022 khiến nguồn cung HRC nội địa càng thiếu hụt nghiêm trọng. Do đó, việc nhập khẩu HRC để đáp ứng đủ nhu cầu là tất yếu, theo đơn phản biện.

Về thị trường nhập khẩu HRC, các DN tôn thép trong nước lý giải, hiện nhiều quốc gia đã ban hành chính sách giảm sản lượng thép xuất khẩu nên các DN tôn thép Việt Nam buộc phải tăng cường nhập khẩu HRC từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong năm 2023 đã tăng 2.717.730 tấn so với 2022.

Sáu tháng đầu năm 2024, lượng nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác giảm 165.632 tấn so với cùng kỳ 2023. Do đó, các DN tôn thép Việt Nam buộc phải tăng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu. Từ đó dẫn tới sản lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong 6 tháng đầu 2024 đã tăng 2.167.708 tấn so với cùng kỳ 2023.

Đơn phản biện cho rằng theo quy luật cung - cầu của thị trường, quốc gia nào sản xuất được HRC chất lượng tốt với giá bán hợp lý sẽ xuất được nhiều hơn. Trong năm 2023, HRC do Trung Quốc sản xuất có chất lượng tốt, giá bán hợp lý, nên lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc tăng nhiều hơn so với lượng nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác là phù hợp quy luật cung - cầu thị trường.

Đọc thêm