Đề xuất doanh nghiệp đầu mối được công bố giá bán xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ trong vòng 1 tuần, Bộ Công Thương đã đưa 2 dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, thay thế cho tất cả các nghị định hiện hành về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, đáng chú ý, ở dự thảo lần 2, Bộ Công Thương đã đề xuất quy định để doanh nghiệp (DN) đầu mối công bố giá bán.
Quy định về giá bán xăng dầu vẫn chưa có độ mở cần thiết. (Ảnh minh họa: PV)
Quy định về giá bán xăng dầu vẫn chưa có độ mở cần thiết. (Ảnh minh họa: PV)

Giá bán không được cao hơn giá tối đa công bố

Hiện nay, giá xăng dầu là mức giá tối đa do Nhà nước công bố định kỳ dựa trên công thức giá xăng dầu cơ sở. Bộ Công Thương nhận định: “Theo cơ chế này, Nhà nước ban hành tiêu chí, công thức tính giá, thông số tính toán giá, can thiệp quá sâu vào quyết định giá của DN”.

Do đó, nhằm giảm hẳn sự can thiệp của cơ quan nhà nước vào việc quyết định giá bán của DN, tạo môi trường cạnh tranh về giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, giúp DN linh hoạt và tự chủ quyết định giá bán xăng dầu trên thị trường, dự thảo Nghị định mới tiếp cận theo hướng Nhà nước chỉ công bố giá xăng dầu thế giới và một số chi phí cố định.

“Thương nhân tự công bố giá bán tối đa dựa trên công thức giá do Nhà nước quy định. Giá bán xăng dầu trên thị trường của DN không được cao hơn giá bán tối đa theo công thức đã quy định” - dự thảo quy định. Sau khi công bố, thương nhân thông báo giá bán cho cơ quan nhà nước để giám sát.

Cùng với đó, dự thảo quy định Bộ Công Thương căn cứ vào phương pháp tính giá cơ sở do Bộ Tài chính hướng dẫn, các yếu tố hình thành giá cơ sở do Bộ Tài chính thông báo, văn bản tham gia ý kiến về phương án điều hành giá của Bộ Tài chính tại từng kỳ điều hành giá xăng dầu để tính toán, công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo chu kỳ 7 ngày/lần (như hiện nay).

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu căn cứ giá cơ sở do Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính công bố định kỳ để tổ chức giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu căn cứ công thức tính giá nêu trên để tính toán, công bố giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) trong hệ thống không quá giá bán tối đa.

Đối với địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu, nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ (đã được kiểm toán) tăng cao, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó (đã được thương nhân ban hành quyết định về địa bàn và thông báo về Bộ Công Thương) để bù đắp chi phí thực tế phát sinh nhưng không vượt quá 2% giá bán xăng dầu tối đa theo quy định.

2 phương án tính giá

Dự thảo mới đưa ra 2 phương án tính giá để lấy ý kiến. Phương án 1 “chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của DN được tính theo giá trị tuyệt đối”. Theo đó, tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, hiện các khoản chi phí từ đầu vào, các khoản chi phí hoa hồng, chiết khấu đến khâu bán lẻ khoảng từ 1.800 - 2.500 đồng/lít. Tức là giá tối đa do DN công bố sẽ bao gồm giá nhập khẩu cộng với thuế, phí và chi phí định mức tuyệt đối nêu trên.

Ở phương án 2, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của DN sẽ biến đổi theo tỷ lệ phần trăm theo biến động của giá xăng dầu thế giới. Theo đó, chi phí, lợi nhuận tối đa của DN có thể sẽ dao động tới 20% giá bán khi giá thế giới ở mức 30 USD/thùng và giảm dần xuống chỉ còn 4% nếu giá thế giới lên tới 120 USD/thùng.

Trường hợp chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của DN tăng, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng điều chỉnh.

Về phương án giá được quy định trong dự thảo lần 2, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát cho biết, quy định này mới thoạt nhìn tưởng Nhà nước “buông” giá bán nhưng thực ra vẫn là “bình ấy, chỉ là thay đổi loại rượu khác”, vẫn chưa có sự thay đổi gì về quản lý giá.

Bởi theo dự thảo, Bộ sẽ không đưa ra giá bán mà để DN quyết định nhưng công thức tính giá tối đa vẫn giữ như trước đây. Nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để DN tự định giá nhưng vẫn yêu cầu xác định giá trần để các DN không được vượt quá mức giá này.

Điều này cũng đã được một số chuyên gia kinh tế nhận định bởi hầu hết đều cho rằng, nếu để DN tự định giá nhưng vẫn xác định giá trần thì nhiều khả năng các DN sẽ “neo” theo giá trần để đưa ra giá bán như hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc giá điều hành sẽ vẫn như hiện nay “Nhà nước công bố giá bán ra không cao hơn” mức giá trần.

Do đó, theo nhiều thương nhân kinh doanh xăng dầu, muốn để Nhà nước không can thiệp quá sâu vào việc quyết định giá bán của DN thì không nên quy định giá trần. Nhà nước chỉ cần đưa ra giá nhập khẩu cộng các loại thuế, phí, DN sẽ tự định đoạt mức giá bán dựa trên các mức chi phí trong khung của Nhà nước để có thể đưa ra được mức giá cạnh tranh nhất.

Và giá do DN tự định đoạt sẽ có nhiều mức giá khác nhau nhưng chắc chắn sẽ không phải là mức giá cao (hơn mức tối đa như quy định hiện nay) để cạnh tranh thị phần. Điều này đồng nghĩa với người tiêu dùng sẽ hưởng lợi bởi thị trường có sự cạnh tranh thực sự.

Đọc thêm