Đề xuất gia hạn thuế nhằm gỡ khó cho sản xuất kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu được Chính phủ thông qua, ước tính tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn trong năm 2024 sẽ lên tới 92.560 tỷ đồng, doanh nghiệp được hỗ trợ thiết thực trong khi thu ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn được bảo đảm.
Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thuế để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. (Ảnh: HVN)
Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thuế để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. (Ảnh: HVN)

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2024 và Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Đề xuất gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất của Bộ Tài chính nhằm thực hiện Nghị quyết 44/NQ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ, trong đó có giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: “Khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4 xem xét ban hành quy định gia hạn thuế GTGT, TNDN, TNCN, TTĐB đối với ô tô sản xuất trong nước…”.

Trước đó, ngày 23/4, Bộ Tài chính đã có Công văn 4232/BTC-TCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất trong năm 2024; Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo trình tự, thủ tục rút gọn và các Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính. Trong đó giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện các dự thảo trình Chính phủ trong tháng 5.

Theo Bộ Tài chính, để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân vượt qua khó khăn năm 2024, duy trì sản xuất kinh doanh (SXKD), trong khi vẫn phải bảo đảm giảm thiểu tác động cân đối NSNN ở cả trung ương và các địa phương, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết có giải pháp về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong bối cảnh suy thoái kinh tế cũng phải đối mặt với tình trạng doanh số bán hàng sụt giảm, phải điều chỉnh giảm sản lượng. Trong giai đoạn phục hồi SXKD, dự đoán trong năm 2024, thị trường ô tô nói riêng và toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung còn phải ứng phó với những tác động tiêu cực khác do khủng hoảng kinh tế và xung đột địa chính trị toàn cầu, đặc biệt trở nên căng thẳng từ sau giai đoạn dịch bệnh.

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng DN, sẽ là không đủ để tạo ra sự ổn định trong việc duy trì sản lượng và doanh số bán hàng và sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại, đồng đều và bền vững.

Với đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2024, Bộ Tài chính ước tính tổng số thuế được gia hạn sẽ lên tới gần 84.000 tỷ đồng; Với đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Bộ Tài chính dự kiến, tổng số thuế TTĐB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn trong 4 kỳ tính thuế như phương án đề xuất là khoảng 8.560 tỷ đồng (khoảng 2.140 tỷ đồng/tháng).

Do thời hạn nộp thuế chậm nhất chủ yếu là trong năm 2024, nên Bộ Tài chính cho rằng việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất không ảnh hưởng đến dự toán thu NSNN năm 2024.

Theo bà Mạnh Thị Tuyết Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, tổng thu NSNN không giảm, vì hạn nộp của các khoản thuế sau khi gia hạn đều thuộc phạm vi năm ngân sách 2024, trừ một số DN có năm tài chính khác năm dương lịch thì số thuế TNDN của quý II/2024 sau khi gia hạn có thể được nộp NSNN vào đầu năm 2025, ước tính con số này là khoảng 2.000 tỷ đồng (trong tổng số 92.560 tỷ đồng - PV).

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) đánh giá, đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2024 của Bộ Tài chính là tương đối tốt, bởi 4 lý do.

Thứ nhất, DN đang rất khó khăn, đặc biệt về vốn mà vay ngân hàng không dễ khi vẫn phải tuân thủ các quy định, quy trình vay. Bởi vậy, giải pháp này tốt hơn là vay ngân hàng mà nó tiện cho DN; Thứ hai, cũng vì DN khó khăn mà lực cầu tiêu dùng yếu cho nên là DN có bán hàng cũng chưa nhận được về tiền ngay. Trong khi đó, thuế tính ngay trên hóa đơn, cho nên đây cũng là giải pháp Nhà nước chia sẻ với DN xuất phát từ thực tiễn;

Thứ ba, chi tiêu công đang chậm, do rất nhiều quy trình ngặt nghèo mà ngân sách có tiền cũng chưa chỉ ra được ngay, do đó việc chậm thuế cho DN là rất tốt; Thứ tư, lâu nay Bộ Tài chính luôn siết chặt nguồn thu, nhưng khi đã phải đề xuất gia hạn như vậy, chứng tỏ đề xuất của Bộ Tài chính là có cơ sở và Bộ đã có sự chủ động về nguồn lực…

Được biết, từ năm 2000 đến nay, tổng các gói hỗ trợ tài khóa của Chính phủ cho nền kinh tế đã lên tới trên 760.000 tỷ đồng. Theo nhận định của các chuyên gia, việc tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế và tiền thuê đất trong năm 2024 sẽ là động lực quan trọng không chỉ cho tăng trưởng kinh tế lúc này mà còn cho cả các năm tiếp theo.

Đọc thêm