VNPT đóng góp gần 30% tổng nguồn thu viễn thông công ích
Dù gặp không ít thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong và sau tái cấu trúc song Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước, xã hội.
Vừa qua, tại buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT được đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện nghiêm túc nhất nghĩa vụ đóng góp vào quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Trong tổng số hơn 2.000 tỷ đồng Quỹ Viễn thông công ích thu được trong giai đoạn 2015 – 2016, VNPT đóng góp khoảng 28%, tương ứng khoảng 900 tỷ đồng.
Ngoài việc đóng góp, Tập đoàn cũng nghiêm túc thực hiện triển khai cung cấp các dịch vụ viễn thông công tích tới người dân. Ngay sau khi có thông tư và các văn bản hướng dẫn của Bộ, VNPT đã nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn triển khai, phân công rõ chức năng, nhiệm vụ cho các đơn vị.
Đồng thời, Tập đoàn cũng tổ chức triển khai chỉ đạo qua cầu truyền hình tới các bộ phận chủ chốt, đặc biệt là đội ngũ bán hàng để truyền thông, giới thiệu chương trình tới các đối tượng thuộc diện thụ hưởng, chủ động hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục khi khách hàng có nhu cầu.
Kiến nghị đưa dịch vụ di động vệ tinh vào danh mục viễn thông công ích
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai cho thấy, một số chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với nhu cầu thực tế nên người dân chưa được hưởng nhiều lợi ích từ các chính sách của Nhà nước. Chính vì vậy, Tập đoàn đã đưa ra một số kiến nghị điều chỉnh sửa đổi về mức hỗ trợ thực tế các dịch vụ. Ví dụ, xem xét tăng mức hỗ trợ cho thuê bao điện thoại cố định, di động hiện đang áp dụng ở mức 20.000 – 25.000 đồng/tháng lên mức tương ứng với cước thuê bao trả sau dành cho di động (khoảng 50.000 đồng).
Bên cạnh đó, xem xét, sửa đổi quy định về các gói cước internet băng rộng dành cho từng đối tượng thụ hưởng theo hướng không chỉ định gói cước mà chủ định mức số tiền hỗ trợ để đơn vị thụ hưởng tự cân nhắc lựa chọn theo nhu cầu sử dụng thực tế.
Đặc biệt, VNPT còn kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, bổ sung thêm dịch vụ di động vệ tinh vào danh mục dịch vụ được hỗ trợ. Trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone-S tại các tỉnh thành trên toàn quốc, rất nhiều bà con ngư dân có nhu cầu về dịch vụ bởi đây là dịch vụ thương mại duy nhất cho phép ngư dân liên lạc được khi cách bờ biển 30 km trở lên.
Tuy nhiên, do kết nối qua sóng vệ tinh nên phải sử dụng thiết bị đầu cuối đặc thù là điện thoại vệ tinh, mà giá thành loại điện thoại này hiện khỏang 8 – 10 triệu đồng/máy là khá cao so với nhiều ngư dân, nhất là các đối tượng trong diện thụ hưởng dịch vụ viễn thông công ích.
“Vì thế, VNPT đề xuất mức hỗ trợ là 50% giá mua máy điện thoại và 50% giá cước dịch vụ” - đại diện VNPT cho biết – “Việc hỗ trợ dịch vụ sẽ không chỉ giúp bà con giữ liên lạc khi ra khơi mà còn góp phần cùng các chính sách khác của nhà nước khuyến khích ngư dân tăng cường bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước”.
Với đặc trưng của dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone-S là phải sử dụng thiết bị đầu cuối chuyên dụng, giá thành đầu tư ban đầu cao, nên để các cơ quan biên phòng, kiểm lâm, kiểm ngư... có thể sớm dử dụng dịch vụ, VNPT VinaPhone đã ban hành các chinhs ách giá bàn thiết bị kèm theo gói cước với mức rất ưu đãi.
Cho tới nay, dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone-S đã sẵn sàng cung cấp tại khắp các tỉnh thành trên cả nước.