Đề xuất giảm bớt “giấy phép con” trong công nghiệp điện ảnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo một số nhà quản lý và làm phim, để điện ảnh phát triển mạnh; cần có cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục, “giấy phép con” để tạo điều kiện sản xuất, sáng tạo ra sản phẩm chất lượng.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Phát triển công nghiệp điện ảnh được xác định là ngành mang đến lợi ích “kép” cho nhà làm phim, người dân và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo một số nhà quản lý và làm phim, để điện ảnh phát triển mạnh; cần có cơ chế ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục, “giấy phép con” để tạo điều kiện sản xuất, sáng tạo ra sản phẩm chất lượng.

Luật Điện ảnh mới đã thông thoáng

Tại Hội thảo “Phát triển Công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng” vừa diễn ra, bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH,TT&DL) cho rằng, Luật Điện ảnh 2022 đã có nhiều sự đổi mới theo chiều hướng thông thoáng hơn, tạo điều kiện để nâng tầm điện ảnh đất nước.

Đơn cử như trước đây đoàn làm phim nước ngoài muốn quay phim tại nước ta phải qua sự kiểm duyệt tất cả các khâu về kịch bản, cảnh quay, dù bộ phim ấy chỉ quay ở Việt Nam vài phân cảnh nhỏ. Theo luật mới, các thủ tục này đã được tối giản. Điều này mở ra cơ hội để phát triển công nghiệp điện ảnh.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho rằng, công nghiệp điện ảnh nhằm hướng phát triển kinh tế bền vững, trở thành kênh quảng bá hình ảnh hữu hiệu được nhiều nước áp dụng hiệu quả, đơn cử như Hàn Quốc.

Đà Nẵng đã bám sát theo hướng phát triển, vừa ngành nghệ thuật, vừa phát triển kinh tế. Là TP sự kiện, được đánh giá điểm đến hấp dẫn, Đà Nẵng mong muốn điện ảnh sẽ quảng bá hình ảnh để tạo điểm đến đáng sống hơn nữa. TP cũng đã có nhiều quyết sách cho tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng. Luật Điện ảnh đã được Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ 1/1/2023, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công nghiệp điện ảnh.

“Làm thế nào để phát triển được ngành công nghiệp điện ảnh, làm thế nào để tạo môi trường tốt nhất cho các nhà làm phim bằng cơ chế chính sách, thì phải am hiểu, có thực tiễn… Điều này rất cần các đóng góp từ chính các nhà sản xuất phim, đạo diễn, diễn viên để từ đó thành phố xây dựng được một môi trường thuận lợi để công nghiệp điện ảnh phát triển”, bà Yến nhấn mạnh.

Khẳng định điện ảnh thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực du lịch, tuy nhiên theo bà Yến, vấn đề cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi hơn về mặt cơ chế, ưu đãi, bỏ bớt các thủ tục “giấy phép con” để tạo điều kiện cho nhà làm phim sáng tạo ra sản phẩm chất lượng hơn.

Bà Yến cho rằng, khung pháp lý đã có nhưng để hiện thực hóa, cần cơ chế, chính sách cụ thể để phát huy hết năng lực sáng tạo của nhà làm phim cũng như chính sách của địa phương để thu hút nguồn lực đầu tư và khuyến khích hợp tác công - tư trong sản xuất, phát hành phim… Cần thêm nhiều thời gian để hành lang pháp lý được vận dụng nhuần nhuyễn.

Cần cơ chế ưu đãi hai bên cùng có lợi

Trong khi đó, ông Yoshitaka Sugihara, Giám đốc Chính sách công Netflix Nhật Bản chia sẻ: “Thông qua một bộ phim quay tại Việt Nam, chúng tôi có thể giới thiệu cảnh đẹp, con người, nếp sinh hoạt của người Việt Nam đến với công chúng thế giới. Tiêu chí của Nexfix mang được những hình ảnh về cảnh đẹp, con người mỗi địa phương đến thế giới. Thông qua những bộ phim sẽ quảng bá vẻ đẹp cũng như thông tin về con người ở từng địa phương. Các bộ phim làm cầu nối rất quan trọng kết nối con người với nhau. Thông qua các bộ phim, nhiều khách du lịch đã đến tham quan, du lịch tại địa điểm được quay phim, chụp trên các phim”.

Ông Yoshitaka Sugihara cũng chia sẻ thêm, tại Nhật đã có những hướng dẫn, ưu đãi cho đoàn làm phim trong việc chọn địa điểm, thực hiện quay phim.

Nghệ sĩ Trinh Hoan, chủ hãng phim HK, thông tin thêm, điện ảnh góp phần rất lớn trong phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, cần có cơ chế thoáng để hỗ trợ các nhà làm phim. Ví dụ, để di chuyển đến một địa phương có nhiều cảnh đẹp, đoàn phải di chuyển xa hơn, điều đó đồng nghĩa với việc mất thêm một khoản chi phí.

Nếu như có sự hỗ trợ từ các đơn vị lưu trú chẳng hạn, đổi lại nhà sản xuất cũng quay được nhiều tư liệu hình ảnh để quảng bá cho vùng đất, hai bên cùng có lợi. Bên cạnh đó, cũng cần có sự hỗ trợ để giảm bớt thủ tục “giấy phép con” trong chọn các cảnh quay. Đôi khi một địa điểm quay, nhà làm phim phải tìm đến tới 3 - 4 đơn vị quản lý để xin phép gây mất thời gian và ảnh hưởng đến sự sáng tạo.

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam kiến nghị, cần tạo chính sách ưu đãi cho các đoàn làm phim. Vì khi phim được trình chiếu, sự quảng bá tự nhiên rất lớn, tạo “cú hích” cho du lịch nhiều địa phương.

Bên cạnh đó cần cụ thể hóa để thực hiện Luật Điện ảnh. Các ban, ngành phải thống nhất để các đoàn làm phim nước ngoài tự tin đến Việt Nam. Nhiều đoàn làm phim lớn từng ký hợp đồng với đối tác ở Việt Nam nhưng buộc phải hủy do các “lệnh miệng”. Rủi ro về thiên tai đã đành, rủi ro về con người, “lệnh miệng” khiến nhiều đoàn nước ngoài mệt mỏi, bỏ cuộc sẽ gây thiệt thòi cho điện ảnh Việt.

Ngoài ra, mỗi địa phương cần có những chính sách, chế độ ưu đãi riêng để mời gọi các đoàn làm phim tới quảng bá cảnh đẹp địa phương mình, từ đó thúc đẩy du lịch, kinh tế phát triển.

Bà Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng nhìn nhận, Đà Nẵng đang thiếu những DN hoạt động chuyên về lĩnh vực sản xuất phim để có thể cung cấp những dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp cho các nhà làm phim. Ngoài ra vẫn đang thiếu những nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực văn hóa và điện ảnh. Bà Tùng cho rằng, trước mắt Đà Nẵng có thể xây dựng cơ chế để những trường đại học hiện có hoặc trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật phát triển, nghiên cứu và xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu, trước khi phát triển một mức độ cao hơn là trường chuyên ngành về điện ảnh.