Nhiều bất cập
Điều 43 Luật Hải quan 2014 quy định chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp (DN) nêu rõ, DN được miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật; được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật về thuế.
DN cũng được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc kể từ ngày nộp chứng từ thay thế tờ khai hải quan, người khai hải quan phải nộp tờ khai hải quan hoàn chỉnh và các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan.
Tuy nhiên, đối với nhóm vấn đề quy định chi tiết chế độ ưu tiên đối với DN theo Điều 43 Luật Hải quan thì Bộ Tài chính cho biết, Nghị định 08/2015 hiện có những vướng mắc, bất cập phát sinh. Cụ thể, có một số điều kiện để công nhận DN ưu tiên đã được quy định tại Luật Hải quan, nhưng Nghị định chưa hướng dẫn thực hiện như điều kiện về thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu và điều kiện về kết nối, chia sẻ hệ thống của DN với cơ quan hải quan.
Bên cạnh đó, các DN vừa và nhỏ, các DN thương mại điện tử… hiện nay đang phát triển khá mạnh mẽ tại Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có quy định mở để áp dụng chế độ ưu tiên đối với các loại DN này. Thực tế hiện nay, có một số trường hợp DN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận là DN ưu tiên nhưng không thuộc các trường hợp đã quy định trong văn bản pháp luật.
Đặc biệt, thời gian áp dụng chế độ ưu tiên là 3 năm. Cứ 3 năm lại tiến hành kiểm tra sau thông quan để gia hạn, dẫn đến tình trạng DN ưu tiên bị kiểm tra nhiều hơn DN thường. Nghị định 08/2015 cũng chưa quy định rõ về thủ tục thực hiện gia hạn chế độ ưu tiên, cần được quy định rõ hơn, minh bạch hơn về thủ tục hành chính.
Tiệm cận điều kiện công nhận DN ưu tiên của Tổ chức Hải quan Thế giới
Sau khi tham vấn một số DN, chuyên gia về đánh giá tình hình thực hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã góp ý cho Tổng cục Hải quan về một số vấn đề liên quan đến chế độ ưu tiên hải quan đối với DN. Theo đó, Điều 10.4.d Nghị định 08/2015 quy định điều kiện về kim ngạch xuất nhập khẩu (để áp dụng chế độ ưu tiên) với đại lý thủ tục hải quan là số tờ khai làm thủ tục hải quan trong năm đạt 20.000 tờ/năm.
Theo phản ánh của nhiều DN, quy định số lượng này là quá lớn đối với các đại lý hải quan. Bởi thế, đề nghị Tổng cục Hải quan tổng kết lại việc cấp chế độ ưu tiên cho đại lý hải quan trong thời gian triển khai vừa qua, từ đó cân nhắc sự phù hợp của số lượng tờ khai trong quy định trên.
Ngoài ra, Điều 11.4 Nghị định 08/2015 quy định DN bị đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên thì trong 2 năm tiếp theo không được công nhận DN ưu tiên. Quy định này áp dụng cho tất cả các trường hợp đình chỉ chế độ áp dụng ưu tiên, kể cả trường hợp đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên do DN chủ động đề nghị vì lý do riêng của DN.
Quy định như vậy là chưa thực sự hợp lý vì trường hợp DN chủ động xin ngừng áp dụng chế độ ưu tiên không phải do DN có hành vi vi phạm (như các trường hợp đình chỉ khác) nên không cần thiết phải áp dụng hình thức chế tài là không được công nhận DN ưu tiên trong 2 năm tiếp theo. VCCI đề nghị Tổng cục Hải quan điều chỉnh quy định này cho phù hợp.
Qua tổng kết và tiếp thu các góp ý, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đã đưa ra nhiều điểm mới để giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn triển khai Nghị định 08/2015 như: Bổ sung thêm khoản 5 Điều 9 về chế độ ưu tiên đối với đại lý làm thủ tục hải quan, bổ sung thêm về điều kiện công nhận ưu tiên đối với đại lý; bổ sung thêm một điều kiện mở (điểm đ khoản 4 Điều 10) là không áp dụng điều kiện về kim ngạch đối với những nhóm DN được Bộ Tài chính xem xét trong từng thời kỳ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng bổ sung thêm một số quy định chi tiết để đảm bảo các quy định về điều kiện công nhận DN ưu tiên của Việt Nam cũng tương đồng với điều kiện công nhận DN ưu tiên của Tổ chức Hải quan Thế giới. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất kéo dài thời gian công nhận DN từ 3 năm lên 5 năm để tạo điều kiện thuận lợi cho DN cũng như quy định thêm trách nhiệm của DN ưu tiên; làm rõ thẩm quyền, thủ tục công nhận, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ DN ưu tiên.