Đó là quan điểm của Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Hãng Luật Intercode TP Hà Nội trong khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Pháp luật Việt Nam xung quanh vụ việc Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA) vừa có tờ trình xin phê duyệt việc góp vốn, thành lập hãng hàng không mới theo mô hình công ty cổ phần trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Vasco-một đơn vị của VNA hiện nay.
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh trong thời gian qua, việc Vietnam Airlines dự định lập một hãng hàng không mới dựa trên việc tái cấu trúc hãng hàng không Vasco – công ty con trực thuộc Tổng công ty hàng không Việt Nam.
Theo đề xuất trình Bộ Giao thông Vận tải, Vietnam Airlines sẽ thành lập một công ty liên doanh có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Trong đó hãng này sẽ nắm giữ 51% vốn và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thông qua 2 công ty con là Công ty TNHH một thành viên quản lý kỹ thương (Techcom Capital) góp 48% vốn điều lệ và CTCP phát triển dự án Techcomdeveloper góp 1% vốn điều lệ. Techcombank sẽ rót vốn ban đầu khoảng 147 tỷ đồng, trong khi Vietnam Airlines sẽ cung cấp các máy bay và tài sản khác thuộc Vasco.
Ý kiến của một số chuyên gia thì việc tổ chức thành công ty cổ phần sẽ giúp Vasco có khả năng huy động vốn cao hơn thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra thị trường và cách thức quản trị một doanh nghiệp theo mô hình công ty cổ phần sẽ chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Tuy việc Vietnam Airlines đưa ra những lý do để “minh chứng” cho việc thành lập một hãng hàng không là có căn cứ nhưng những số liệu kế hoạch tài chính đưa ra lại chưa thực sự thuyết phục. Bởi lẽ, hãng hàng không Vasco sẽ có vốn điều lệ tối thiểu 300 tỉ đồng và khai thác đội bay sẵn có, hệ thống đường bay sẵn có (lợi thế riêng chỉ khai thác được bằng tàu bay ATR 72 như Côn Đảo, Cà Mau, Kiên Giang, Điện Biên)... nhưng đề án của VNA chỉ nêu hiệu quả hoạt động của công ty này cho cả giai đoạn 2016-2018 chỉ là 1,949 tỉ đồng.
|
Luật sư Nguyễn Phú Thắng |
Luật sư Nguyễn Phú Thắng bày tỏ quan điểm: "Rõ ràng, nếu với suất đầu tư khoảng 300 tỷ đồng cả tài sản và tài chính mà hiệu quả kinh tế của hoạt động này dừng lại ở con số “khiêm tốn” là điều không ổn. Đối chiếu với quy định của Luật doanh nghiệp 2014, tại khoản 8 Điều 4 rằng “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” thì VNA không còn là doanh nghiệp nhà nước nữa.song, Nhà nước vẫn chiếm hơn 50% vốn sau khi cổ phần hóa. Nhận thấy, với một khoản ngân sách không nhỏ bỏ vào đầu tư và thu lại lợi nhuận không cao thì cũng nên cân nhắc tính khả thi của dự án. Trên thực tế, cũng có nhiều hãng hàng không được thành lập những cũng sớm “chết yểu”.
Luật sư Thắng nhấn mạnh: Dư luận và nhiều người có quyền nghi ngờ về bản chất của dự án này. Cá nhân tôi mong muốn Vietnam Airlines và các bộ phận tham mưu cho Vietnam Airlines cần làm rõ mộ số điểm như: thiếu minh bạch trong việc sử dụng ngân sách nhà nước; hiệu quả kinh tế của Đề án là không cao, thiếu thuyết phục, đặc biệt lại có sự tham gia của một tổ chức tín dụng vốn là một “ông lớn kinh doanh tiền”; có hay không rủi ro cho ngân sách nhà nước nếu Đề án được chấp thuận, những lo ngại về tham nhũng, lợi ích nhóm.
Do vậy, theo quan điểm của luật sư Thắng, nếu những thông tin trên báo chí phản ánh là đúng sự thật, có cơ sở thì Bộ giao thông vận tải, Cục hàng không dân dụng khi xem xét phê duyệt dự án trên của Vietnam Airlines cần phải hết sức cân nhắc để tránh thất thoát ngân sách nhà nước, góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạch trong lĩnh vực vận tải hàng không đồng thời thể hiện đúng bản chất của một Đề án phát triển kinh tế thuần túy và đúng pháp luật.
Để rộng đường dư luận, cùng ngày, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã nhiều lần liên hệ với ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam để tìm hiểu thông tin nhưng không kết nối được với vị Cục trưởng này./.
Báo Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin...