Đề xuất lập công ty xử lý sở hữu chéo ngân hàng

(PLO) - Cách đây chưa lâu, trong một hội thảo về sở hữu chéo, TS Nguyễn Đức Trung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học (Học viện Ngân hàng) đưa ra đề xuất về việc thành lập một công ty mua bán cổ phần các ngân hàng thương mại để giảm rủi ro từ sở hữu chéo.
“Ma trận” sở hữu chéo ngân hàng (Ảnh minh họa).
“Ma trận” sở hữu chéo ngân hàng (Ảnh minh họa).
50% vốn nhà nước, 50% vốn từ ngân hàng
Trong “ma trận” chằng chịt sở hữu chéo hiện nay có sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, và chính các đơn vị này hiện giờ đang “mắc kẹt” với bài toán thoái vốn nhà nước khỏi các tổ chức tín dụng đã đặt ra từ lâu nhưng gần như vẫn dậm chân tại chỗ. “Tuy nhiên, việc thoái vốn ngay có thể dẫn đến những cú sốc giảm giá cổ phiếu, sụt giảm vốn điều lệ tại các ngân hàng, chưa kể việc đình trệ đầu tư do không ít ngân hàng đã cho vay mạnh vào các công ty sân sau quy mô lớn – ông Trung nói – Thực tế hiện nay cho thấy, không ít nhà băng có liên quan tới sở hữu chéo đều chưa niêm yết trên sàn nên tính thanh khoản của các cổ phiếu này càng không cao và khó bán”.
Theo lập luận của ông Trung, công ty xử lý sở hữu chéo sẽ giải được những vướng mắc này. Mô hình mà ông Trung trình bày có thể vẽ nên những hình dung khá rõ ràng về hoạt động của công ty xử lý sở hữu chéo. Dự kiến, công ty này được lập dưới dạng trách nhiệm hữu hạn nhà nước hai thành viên, có vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng, do Nhà nước sở hữu 50% vốn, phần còn lại đến từ vốn góp của các ngân hàng thương mại quốc doanh được chỉ định. 
Đây cũng là mô hình đã từng được áp dụng trên thế giới, cụ thể là Nhật Bản. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, ngân hàng trung ương cần đóng vai trò chính và nhân sự cần tới từ lĩnh vực ngân hàng, có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán. 
Nguồn vốn để công ty mua bán cổ phần ngân hàng mua vào có thể đến từ nguồn đi vay ưu đãi từ chính các tổ chức tín dụng hoặc nguồn tiền từ việc bán cổ phần. Theo lập luận của ông Trung: "Nhằm tạo động lực cho hoạt động mua bán cổ phần, công ty sẽ không thực hiện trên nguyên tắc phi lợi nhuận như Công ty mua bán nợ xấu (VAMC). Khoản lãi có thể phát sinh trong quá trình mua, bán cổ phần được chia cho các bên tham gia góp vốn".
Các doanh nghiệp nhà nước cần đăng ký bán hoặc chuyển nhượng cổ phần theo kế hoạch được lên hàng tháng hoặc quý. Công ty xử lý sở hữu chéo phải mua hỗ trợ số cổ phần không được giao dịch hết trong một thời gian định kỳ. 
Ông Trung cho rằng, việc này có thể tạo tín hiệu nâng dần sức cầu chứng khoán ngân hàng cho thị trường. Công ty sẽ chấm dứt hoạt động khi bán hết số cổ phần mua vào hoặc hết một khoảng thời gian (ví dụ 10 năm). Sau 10 năm, nếu chưa bán hết, các bên tham gia góp vốn sẽ mua lại, hoặc thậm chí Chính phủ cũng tham gia nếu các bên chưa mua hết.
Quan trọng là minh bạch dòng tiền
Trên thực tế, quan hệ sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng hết sức phức tạp, với việc nhiều ngân hàng đầu tư vào một ngân hàng hoặc một cá nhân, tổ chức sở hữu nhiều ngân hàng. Hầu hết ngân hàng quốc doanh nào cũng nắm cổ phần tại một, hai ngân hàng cổ phần khác. 
Ít nhất 6 ngân hàng cổ phần cũng đang giữ vốn tại các tổ chức tín dụng khác và không ít ngân hàng đang có quỹ đầu tư tài chính, công ty chứng khoán, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sở hữu giữa ngân hàng, công ty con của ngân hàng và tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty con của tập đoàn diễn ra khá phổ biến do sự tăng trưởng của thị trường bất động sản khiến động lực đầu tư ra ngoài ngành tăng lên.
Bình luận về đề xuất của TS Trung, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng đề xuất này rất mới và có thể khả thi. Tuy nhiên, tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho biết, hiện đã có sẵn không ít quy định của luật pháp về sở hữu chéo nhưng không kiểm soát tốt, trong khi chỉ cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật thì đã không xảy ra tình trạng như hiện nay mà chưa cần thêm nhiều sáng kiến mới để xử lý.
Ông Đào Quốc Tính - Phó Chánh thanh tra NHNN lại cho rằng, sở hữu chéo hiện là vấn đề “khó quản lý”, và mấu chốt là phải giám sát được dòng tiền ra vào để ngăn chặn việc các ngân hàng lạm dụng cho vay sân sau, các ngân hàng, doanh nghiệp đầu tư lẫn nhau gây vốn "ảo". “Nắm dòng tiền là giải pháp hữu hiệu nhất trong bối cảnh hiện nay – chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh tán thành – tuy nhiên, để kiểm soát dòng tiền ở Việt Nam lại không hề đơn giản”. 
Dẫn chứng được đưa ra chính là cách hiện các ngân hàng đang làm, đó là đặt nặng vào tài sản thế chấp khi cho vay chứ không phải là theo dõi sát sao dòng tiền đi về đâu.
Ngân hàng lên sàn, sẽ “bóc dần” được sở hữu chéo
Về việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và NHNN mới đây thống nhất quan điểm sẽ hối thúc các ngân hàng cổ phần đại chúng lên sàn, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, việc ép các ngân hàng thương mại cổ phần phải niêm yết là hợp lý, bởi khi đó, tất cả thông tin về hoạt động được công khai, minh bạch. Bên cạnh việc định kỳ phải công khai báo cáo tài chính quý, các ngân hàng niêm yết còn phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin bất thường, công bố thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Hoạt động của ngân hàng cũng luôn nằm trong sự giám sát của dư luận và nhà đầu tư.
Nếu ngân hàng lên sàn, cơ cấu sở hữu, số liệu tài chính buộc phải minh bạch, từ đó NHNN sẽ kiểm soát và “bóc” dần được tình trạng sở hữu chéo vẫn đang chằng chịt trong hệ thống ngân hàng. 
Ngân An 

Đọc thêm