Đề xuất mở rộng ngân hàng tham gia giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội

(PLVN) - Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề xuất, ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần xem xét mở rộng cho các ngân hàng thương mại cổ phẩn khác được tham gia vào gói tín dụng phục vụ nhà ở xã hội.
Tập đoàn VinGroup khởi công dự án Nhà ở xã hội Happy Home tại phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, Khánh Hòa.

Liên quan đến kiến nghị của các ngân hàng về giải ngân gói 120.000 tỷ đồng đối với dự án nhà ở xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã tích cực bắt tay thực hiện. Tuy nhiên, mức giải ngân còn thấp, Bộ Xây dựng cùng với Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, đánh giá lại một số nội dung.

Trong thời gian tới đây, các địa phương sẽ tăng tốc vào cuộc, nhiều dự án sẽ được khởi công, do đó nhu cầu vốn vay cho phát triển nhà ở xã hội sẽ tăng cao. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ, nhất là các điều kiện tín dụng cho các chủ đầu tư bất động sản để thúc đẩy giải ngân gói 120.000 tỷ đồng.

Trước những thực tế trên, để “gỡ vướng”, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết hiện nay có thêm 4 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.

Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) thì có thêm Ngân hàng Tiên Phong, VPBank, MBBank và TechcomBank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã tích cực hỗ trợ các dự án bất động sản, hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho các chủ đầu tư bất động sản trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, hiện nay, tín dụng trong bất động sản chiếm khoảng 2,4 triệu tỷ. Đây là con số tương đối lớn. Tăng trưởng tín dụng cho bất động sản cũng tăng, tại thời điểm này tăng từ 3 - 5%. Ông Sinh đánh giá rất cao sự tham gia tích cực của các tổ chức tín dụng, ngành ngân hàng đối với lĩnh vực bất động sản.

Các khó khăn, vướng mắc được chỉ ra chủ yếu liên quan đến: Đất đai, giải phóng mặt bằng, đền bù giải phóng mặt bằng, tính giá đất, quy hoạch... Ngoài ra, các dự án Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, các nghị định hướng dẫn luật của Chính phủ đã ban hành. Các chính sách mới trong 3 dự án luật sẽ tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới.

Theo Bộ Xây dựng, sau khi được phê duyệt Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, hiện nay qua tổng hợp báo cáo của các địa phương trong giai đoạn từ 2021 đến nay, cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai, với quy mô 561.816 căn.

Trong đó, 79 dự án hoàn thành với quy mô 40.679 căn; 128 dự án với quy mô 111.688 căn đã cấp phép, khởi công xây dựng; 412 dự án với quy mô 409.449 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, có 8 dự án đã hoàn thành (gồm 4 dự án hoàn thành toàn bộ, 4 dự án hoàn thành 1 phần) với quy mô 3.136 căn; 5 dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng, với quy mô 8.468 căn; 9 dự án đã có chủ trương đầu tư, với quy mô 8.795 căn. Để đạt mục tiêu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024, những tháng còn lại, cần phải hoàn thành gần 100.000 căn hộ. “Đây là áp lực tiến độ rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, Bộ, ban, ngành, địa phương”, Thứ trưởng Sinh nói và cho rằng, cần khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan sẽ tập trung triển khai tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, người dân cùng biết, cùng hiểu, cùng triển khai, thực hiện Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến nay các ngân hàng thương mại đã giải ngân 1.344/120.000 tỷ đồng gói tín dụng nhà ở xã hội; bao gồm: 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; 49 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án. Ngoài Vietcombank, Agribank, Vietinbank đăng ký tham gia gói 120.000 tỷ đồng (mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng), nay có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần là VPBank, TPBank, Techcombank và MBBank đăng ký tham gia 20.000 tỷ đồng (mỗi ngân hàng 5.000 tỷ đồng).

Đọc thêm