Đảm bảo quyền của bị can
Trong tố tụng hình sự, để bảo đảm cho việc thực hiện quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu của bị can, tại điểm i khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bị can có quyền “Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu”. Về quyền này đối với người bào chữa tại điểm l khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định người bào chữa có quyền “Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra”.
Còn điểm c khoản 1 Điều 7 Pháp lệnh về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15) có quy định “chi phí sao chụp tài liệu”. Khoản 3 Điều 4 Pháp lệnh này quy định: “Sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án đã thụ lý, có quyền sao chụp hồ sơ vụ việc đó”.
Theo mục 9 khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về lệ phí cấp bản sao giấy tờ, sao chụp tài liệu tại Tòa án, bao gồm: Lệ phí sao chụp tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ việc do Tòa án thực hiện; Lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định của Tòa án; Lệ phí cấp bản sao quyết định xóa án tích; Lệ phí cấp bản sao các giấy tờ khác của Tòa án. Cũng theo Nghị quyết này, phí chi trả cho việc sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4 nhưng quy định này chỉ áp dụng đối với việc sao chụp tài liệu tại Tòa án.
Có thể thấy trong tố tụng hình sự tuy đã có quy định về quyền sao chụp tài liệu của bị can, người bào chữa nhưng trên thực tế chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện việc đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ vụ án của bị can, người bào chữa. Ngoài ra cũng chưa có quy định rõ chi phí cho việc sao chụp hồ sơ vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng hay bị can, người bào chữa phải chi trả.
Đối với vụ án hình sự tại các giai đoạn tiến hành tố tụng như giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố thì khi bị can, người bào chữa yêu cầu được sao chụp hồ sơ vụ án thì thủ tục chi trả như thế nào và ai là người phải chi trả chi phí sao chụp này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng, dẫn đến khi áp dụng các cơ quan tiến hành tố tụng rất lúng túng. Đặc biệt đối với trường hợp bị can đang bị tạm giam thì quyền thực hiện việc sao chụp tài liệu được thực hiện như thế nào và khoản chi phí sao chụp tài liệu do cơ quan tiến hành tố tụng phải chi trả hay người nhà bị can phải chi trả khi sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án để thực hiện quyền bào chữa của mình.
Quy định cụ thể về chi phí sao chụp tài liệu
Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thi hành các quy định pháp luật về chi phí tố tụng; tạo thuận lợi giải quyết các vụ án, vụ việc kịp thời, hiệu quả; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng đã quy định cụ thể về chi phí sao chụp tài liệu.
Cụ thể, Điều 84, dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng quy định: Trong tố tụng hình sự, trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải sao chụp tài liệu cung cấp cho bị can để đảm bảo thực hiện quyền của bị can được đọc, ghi chép bản sao tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội quy định tại điểm i khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự thì chi phí sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4. Nhà nước bảo đảm kinh phí đối với chi phí sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội mà cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện để cung cấp cho bị can. Chi phí này được lấy từ kinh phí chi đặc thù hằng năm của cơ quan tiến hành tố tụng.
Còn Điều 85 dự thảo Pháp lệnh quy định: Trong vụ án hình sự, trường hợp bị can, người bào chữa yêu cầu sao chụp tài liệu thì bị can, người bào chữa phải chịu chi phí sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4.
Chi phí sao chụp hồ sơ, tài liệu phát sinh trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do Nhà nước bảo đảm. Chi phí này được lấy từ kinh phí chi đặc thù hằng năm của Tòa án nhân dân.
Việc bổ sung những chi phí nêu trên vào phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh là để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên đưa những chi phí nêu trên vào phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh vì cho rằng đây là những khoản chi thường xuyên.