Đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả THADS

(PLO) - Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) tổ chức Hội thảo “Thực tiễn và giải pháp nâng cao hiệu quả THADS tại Việt Nam”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có ông David Anderson, Giám đốc Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện thuộc cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Hội thảo “Thực tiễn và giải pháp nâng cao hiệu quả THADS tại Việt Nam” nhằm đánh giá tình hình thực hiện quy trình tổ chức THADS đối với các vụ án kinh doanh, thương mại và thi hành án đối với doanh nghiệp tại Việt Nam và cung cấp định hướng, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực THADS; góp phần tạo ra những thay đổi theo hướng minh bạch, rõ ràng hơn về thể chế, áp dụng thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công… hướng tới việc giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và rút ngắn thời gian tổ chức THADS. Với nỗ lực nhằm mang đến cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính tại các cơ quan THADS được thuận lợi và giúp các Chấp hành viên, Thẩm tra viên, công chức làm công tác THADS giải quyết công việc nhanh gọn, hiệu quả, giảm tải áp lực công việc.

Tại Hội thảo, ông Tưởng Duy Lượng (Luật sư, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao) cho rằng, các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành phán quyết chính là tìm kiếm cách thức tổ chức, phương pháp tiến hành trong quá trình thi hành phán quyết nhằm đưa lại kết quả như yêu cầu đặt ra của bên yêu cầu thi hành án, dựa trên những quyền, lợi ích của họ đã được ghi nhận trong phần quyết định của phán quyết.

Theo đó, cần nỗ lực của cơ quan tư pháp, của Hội đồng trọng tài khi giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại; Không ngừng nâng cao chất lượng bản án là một đòi hỏi của Nhà nước, của xã hội, của người dân, doanh nghiệp… Như vậy, sự phối hợp giữa tòa án với cơ quan thi hành án không chỉ là phối hợp bình thường mang tính quan hệ giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước mà nó đã được nâng lên thành luật.

Điều đó chứng tỏ tính cấp thiết trong hoạt động phối hợp, một nhu cầu không thể thiếu trong công tác thi hành án. Về phía cơ quan thi hành án, chấp hành viên phải chủ động trong hoạt động phối hợp; về phía tòa án, các thẩm phán phải thấy rõ trách nhiệm của mình khi cho ra những bản án, quyết định chưa hoàn hảo, gây khó khăn trong công tác thi hành án; về phía Viện kiểm sát với chức năng, nhiệm vụ của mình không chỉ kiểm sát hoạt động thi hành án mà phải kiểm sát quan hệ phối hợp để nâng cao hiệu quả thi hành án. 

Về nguyên nhân gây khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS, đại diện Cục THADS TP HCM nhận định, do quá trình thay đổi về thể chế, về quy định pháp luật còn chậm, chưa thay đổi theo kịp sự phát triển của xã hội; việc xây dựng pháp luật quá chú trọng về mặt hình thức nên xảy ra tình trạng làm giảm hiệu quả trong công tác thi hành án. Ví dụ: các quy định về thông báo thi hành án còn chưa hợp lý, mang tính hình thức, một số trường hợp đương sự đã bỏ địa phương đi đâu không xác định được địa chỉ nhưng vẫn phải thực hiện việc thông báo, niêm yết; hay việc quy định phải thực hiện việc thông báo cho đương sự thực hiện các quyền tự nguyện thỏa thuận. Việc này vừa làm mất thời gian vừa tạo nên sự rườm rà, phức tạp trong thủ tục...

Do vậy, kiến nghị trước hết phải thực hiện việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thi hành án một cách kịp thời. Bên cạnh đó, các quy định đều phải hướng đến mục đích cuối cùng là công lý phải được thực thi, bản án, quyết định của tòa phải được thi hành kịp thời bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án, hạn chế tối đa các quy định mang tính hình thức, không hiệu quả.

Cục trưởng Cục THADS Ninh Thuận Trần Văn Hiếu cũng nêu thực tế tình hình thụ lý án hàng năm tăng do xã hội phát triển, tranh chấp dân sự nhiều... gây ra việc quá tải cho Chấp hành viên cùng lúc phải xử lý nhiều vấn đề. Vừa phải đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, vừa phải đảm bảo chất lượng công việc bên cạnh đó cũng phải đảm bảo các công việc khác trong ngành. Cho nên dẫn đến tình trạng chấp hành viên bị quá tải.

Đặc biệt, trong khoảng thời gian này, Cục THADS đang thí điểm dữ liệu phần mềm quản lý thống kê THADS cho Chấp hành viên cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả, chất lượng công tác, trong khi đó lại cắt giảm biên chế. Ngoài ra, chất lượng thẩm định giá chưa sát với giá thực tế nhưng cũng chưa có quy chế cho việc thẩm định giá. Bên cạnh đó phát sinh nhiều chi phí khác trong quá trình xử lý nhưng chưa được quy định rõ ràng. Tình trạng thẩm định giá đưa ra giá cao hơn giá thực tế để tránh tình trạng khiếu nại của đương sự nên gây khó khăn cho thi hành án khi đưa ra bán tài sản.

Đọc thêm