Bộ Quốc phòng cho biết, Luật An toàn thông tin mạng được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Qua 8 năm thực hiện, Nghị định số 58/2016/NĐ-CP đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; và cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, Nghị định số 58/2016/NĐ-CP cần được thay thế để đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành; thực hiện có hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý chất lượng, đánh giá sự phù hợp sản phẩm mật mã dân sự; đồng thời tổ chức thực thi phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), phương án cắt giảm quy định, điều kiện kinh doanh đã nảy sinh yêu cầu cần điều chỉnh các quy định hiện hành về quản lý mật mã dân sự.
Mặt khác, Nghị định số 58/2016/NĐ-CP cần được thay thế để đáp ứng các yêu cầu cụ thể: Yêu cầu triển khai nhiệm vụ được giao tại Luật An toàn thông tin mạng; Yêu cầu đồng bộ, phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính; Yêu cầu tổ chức và triển khai các quy định về quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp sản phẩm mật mã dân sự; Yêu cầu về rà soát, cắt giảm quy định, điều kiện kinh doanh và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính.
Xuất phát từ các yêu cầu đó, Bộ Quốc phòng đã rà soát các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mật mã dân sự quy định tại Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định số 58/2016/NĐ-CP và đề xuất thực thi Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng và Phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ trong lĩnh vực mật mã dân sự.
Theo đó, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 58/2016/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự và ban hành các mẫu biểu theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự.
Dự thảo được xây dựng gồm 5 chương, 17 điều và 3 phụ lục, với mục đích hoàn thiện thể chế, pháp luật về kinh doanh sản phẩm dịch vụ mật mã dân sự, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; Đánh giá sự phù hợp của sản phẩm mật mã dân sự để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về mật mã dân sự;
Khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn; đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật An toàn thông tin mạng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020;
Cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí, rào cản không cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh trong lĩnh vực mật mã dân sự;
Thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá các quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.