Đề xuất ô tô cá nhân tại Việt Nam lắp camera hành trình: Nhiều người dân đồng tình

(PLVN) -  Mới đây, Bộ Công an đã hoàn tất dự thảo lần thứ 4, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đáng chú ý, trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất về điều kiện để xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh, video trong quá trình di chuyển. Thông tin này hiện thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận xã hội.

Điều 33 của Dự thảo nêu: Xe cơ giới, xe máy chuyên dụng khi tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe; dữ liệu, hình ảnh đảm bảo an toàn hành trình. Nếu đề xuất này được thông qua, hàng triệu phương tiện là ô tô cá nhân sẽ phải trang bị camera hành trình. Phạm vi ảnh hưởng từ chính sách trên được nhận định là rất lớn.

Đề xuất xe ô tô cá nhân bắt buộc lắp camera giám sát nhận được sự quan tâm lớn trong dư luận xã hội (Ảnh: Internet)

Đề xuất xe ô tô cá nhân bắt buộc lắp camera giám sát nhận được sự quan tâm lớn trong dư luận xã hội (Ảnh: Internet)

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 47/2022, xe ô tô kinh doanh vận tải lần đầu bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Dữ liệu được truyền về cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT để phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Về phía ô tô cá nhân mặc dù chưa quy định phải lắp đặt camera hành trình nhưng rất nhiều người dân đã chủ động lắp đặt thiết bị camera giám sát để theo dõi, ghi lại hình ảnh bên ngoài xe trong quá trình tham gia giao thông.

Thống kê mới nhất, tại Việt Nam hiện có hơn 1 triệu xe kinh doanh vận tải, chiếm 1/4 tổng số xe ô tô hiện có. Nếu cả ô tô cá nhân phải lắp camera giám sát hành trình theo quy định của dự thảo nói trên thì sẽ có thêm gần 4 triệu ô tô nữa phải thực hiện quy định này. Do đó, đề xuất trong dự thảo trên của Bộ Công an nhận được nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này.

Chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam, anh Nguyễn Tùng Lâm (Kim Chung - Hoài Đức - Hà Nội) cho biết: "Bản thân tôi có ô tô cá nhân và hiện cũng đã lắp đặt camera hành trình. Tôi cho rằng cần thiết phải lắp thiết bị này vì chi phí và thời gian lắp đặt không quá đắt. Quan trọng hơn là trong một số trường hợp có thể xảy ra tranh chấp về pháp lý, ví dụ như va chạm giao thông, giải quyết vấn đề bảo hiểm...thì các dữ liệu trích xuất từ camera cũng là cơ sở để phân định đúng - sai".

Tuy nhiên, theo anh Lâm, trước mắt, việc lắp cam hành trình chỉ nên dừng ở mức độ khuyến khích người dân chứ không nên bắt buộc; phạm vi giám sát chỉ là trước và quanh xe để ghi lại hành trình xe lưu thông và chủ phương tiện chỉ cung cấp những dữ liệu này cho cơ quan chức năng khi xảy ra vấn đề cần giải quyết, bởi xe cá nhân liên quan đến các thông tin bí mật đời tư, bí mật kinh doanh, không nên quan sát trong cabin (trong khi đó đề xuất của Bộ Công an là phải lắp thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe - tức camera hành trình ghi hình cabin). Do đó, nếu theo đề xuất mới thì có thể dữ liệu camera sẽ được truyền về 1 đơn vị nhằm quản lý, lưu trữ giống như đối với xe kinh doanh vận tải và như vậy nhiều người cũng đặt dấu hỏi về quyền riêng tư.

Còn chị Hoàng Tư (Nghi Mỹ - Nghi Lộc - Nghệ An) cho biết: "Tôi đồng ý với đề xuất lắp cam hành trình trên của Bộ Công an, việc các phương tiện lắp đặt camera hành trình là phù hợp với thực tế hiện nay, đòi hỏi phải có những thiết bị như vậy để đảm bảo an toàn, khi xảy ra các trường hợp va chạm thì có thể xem lại cam hành trình để xem tốc độ, ai đi đúng, đi sai, ai chạy sai làn đường, ai tạt đầu ô tô…đó là bằng chứng để giải quyết tranh chấp."

Bày tỏ quan điểm, ông Kiều Minh (Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại KM) cho biết, theo Nghị định 47/2022, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định của Nghị định này, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định cụ thể.

"Còn đề xuất xe ô tô cá nhân bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình thì tôi thấy thực tế hiện nay nhiều phương tiện cũng đã tự lắp đặt thiết bị rồi. Theo tôi nên khuyến khích trước để xem nhu cầu, nguyện vọng của chủ phương tiện tham gia giao thông ra sao. Sau đó sẽ căn cứ vào tỷ lệ đồng thuận hay không đồng thuận để đưa ra quyết định cuối cùng. Trường hợp cần thiết có thể triển khai thí điểm để đưa ra lộ trình phù hợp," ông Minh nói.

Liên quan đến việc nhiều người dân lo ngại dữ liệu giám sát hành trình trên ô tô cá nhân có liên quan đến thông tin bí mật đời tư, cá nhân. Mới đây, trả lời báo chí, lãnh đạo Cục CSGT cho biết, mục đích lớn nhất khi xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo an toàn giao thông và làm giảm tai nạn. Đồng thời, xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông. Cơ quan chức năng sẽ không thu thập dữ liệu từ các thiết bị này mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra các sự cố trên đường hoặc ghi nhận được các sự cố của xe khác.

Đọc thêm