Đề xuất phương án thành lập thành phố An Nhơn cùng các phường trực thuộc

(PLVN) - Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, cho ý kiến về chủ trương thành lập các phường thuộc thị xã An Nhơn và thành lập thành phố An Nhơn thuộc tỉnh Bình Định.

Văn bản đề nghị được xây dựng trên cơ sở điều kiện, tiêu chuẩn thành lập đơn vị hành chính và thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định tại Kết luận số 166-KL/TU ngày 28/11/2022,

Theo UBND tỉnh Bình Định, đối chiếu với tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thị xã An Nhơn trên cơ sở nguyên trạng 244,494 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 180.019 người hiện có đã đạt các tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh.

Đồng thời, theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 và Điều 31 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các xã: Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn An, Nhơn Hậu và Nhơn Phong trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số cũng đạt 4/4 tiêu chuẩn để tiến tới thành lập phường thuộc thị xã.

Một góc đường Lê Hồng Phong, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định

Thị xã An Nhơn được thành lập theo Nghị quyết số 101/NQ-CP ngày 28/11/2011 của Chính phủ và có địa giới hành chính: phía Đông giáp huyện Tuy Phước; phía Tây giáp huyện Tây Sơn và huyện Vân Canh; phía Nam giáp huyện Vân Canh và huyện Tuy Phước; phía Bắc giáp huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Thị xã An Nhơn là đô thị vệ tinh của thành phố Quy Nhơn cũng là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định. Thị xã An Nhơn có hệ thống giao thông rất thuận lợi: có đường Quốc lộ 1, Quốc lộ 19 và đường sắt Bắc - Nam đi qua, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là địa phương có dự án Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án Tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku (Gia Lai) đi qua.

Trong 5 năm gần đây, Thị xã An Nhơn là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với bình quân hằng năm đều đạt trên 15%. Riêng năm 2021 do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19 nên đạt 8,5%.

So với năm 2011, đến năm 2021, tổng giá trị sản xuất tăng gần 4,5 lần, từ 4.139 tỷ đồng lên 18.522 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010); tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tăng từ 62,5% lên gần 88%; thu ngân sách nhà nước tăng từ 158,4 tỷ đồng/năm lên 1.022 tỷ đồng/năm; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 10 năm hơn 14.000 tỷ đồng; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 36,6% lên 68,3%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 gấp 3 lần năm 2011 (tăng từ 20,07 triệu đồng/người lên 59,85 triệu đồng/người). Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ngày 2/3/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 219/QĐ-BXD công nhận thị xã An Nhơn là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bình Định, với phạm vi đánh giá khu vực nội thị gồm 05 phường (Nhơn Thành, Đập Đá, Nhơn Hưng, Bình Định và Nhơn Hòa) và ngoại thị gồm 10 xã (Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn An, Nhơn Hậu, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Khánh, Nhơn Mỹ, Nhơn Tân).

Việc thành lập các phường thuộc thị xã An Nhơn và thành lập thành phố An Nhơn, tỉnh Bình Định là cần thiết và phù hợp với Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc, đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định2 và hiện trạng phát triển của thị xã An Nhơn và các xã hiện nay.

Đọc thêm