Tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển
Dự thảo Nghị định quy định mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không theo quy định tại khoản 1 Điều 166 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29/6/2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21/11/2014.
Theo đó, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không được điều chỉnh. Cụ thể, đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách là 128.821 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.
Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm là 5.346 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.
Đối với vận chuyển hành lý, bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm là 1.288 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách. Trường hợp hành khách có kê khai giá trị của việc nhận hành lý ký gửi tại địa điểm đến và trả một khoản phí bổ sung thì người vận chuyển phải bồi thường theo mức giá trị đã được kê khai, trừ trường hợp người vận chuyển chứng minh được rằng giá trị đã kê khai lớn hơn giá trị thực tế.
Đối với vận chuyển hàng hoá, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm là 22 đơn vị tính toán cho mỗi kilôgam hàng hoá. Trường hợp người gửi hàng có kê khai giá trị của việc nhận hàng hoá tại nơi đến và trả một khoản phí bổ sung thì người vận chuyển phải bồi thường theo mức giá trị đã được kê khai, trừ trường hợp người vận chuyển chứng minh được rằng giá trị đã kê khai lớn hơn giá trị thực tế.
Ý kiến bình luận với đề xuất của ICAO mới có ý nghĩa
Việc điều chỉnh tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển để tương thích với Công ước Mông-rê-an 1999. Theo giải trình của Ban soạn thảo tại Tờ trình thì việc tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển xuất phát từ việc “ngày 28/6/2019 ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế) đã có thư số LE 3/38.1 – 19/50 gửi các quốc gia thành viên Công ước Mông-rê-an về xin ý kiến các mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển (dự kiến có hiệu lực từ ngày 28/12/2019)”.
Như vậy, việc xây dựng Nghị định này được hiểu là để nội luật hóa quy định của Công ước một khi đề xuất này của ICAO có hiệu lực. Khi đó, với tư cách là nước thành viên Công ước, việc Việt Nam đưa quy định này vào pháp luật nội địa với mức giới hạn trách nhiệm bồi thường phù hợp với Công ước là điều bắt buộc và hầu như không có gì cần thảo luận về mức này. Do đó, thông tin quan trọng ở đây là về ý kiến của Việt Nam và cơ chế có hiệu lực của Công ước này.
Vì vậy, cộng đồng DN đề nghị Ban soạn thảo làm rõ, liệu Việt Nam đã có ý kiến đối với đề xuất tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển này của ICAO chưa? Nếu đã có thì ý kiến của Việt Nam như thế nào? Nếu chưa có thì cơ quan chức năng đã tổ chức lấy ý kiến các chủ thể liên quan (DN hàng không, DN sử dụng dịch vụ hàng không) cho đề xuất này của ICAO chưa?
“Ý kiến bình luận với đề xuất của ICAO mới có ý nghĩa, chứ không phải bình luận Dự thảo Nghị định này” – cộng đồng DN nêu trong văn bản góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Bộ Giao thông Vận tải. Đồng thời, cơ quan này cũng đặt dấu hỏi: Cơ chế thông qua đề xuất mức tăng giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển theo Công ước Mông-rê-an thế nào?
Theo cộng đồng DN, thông tin này rất quan trọng để xác định đề xuất này của ICAO có hiệu lực hay không và từ đó xác định mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong Nghị định này có phù hợp không và thời điểm có hiệu lực của Nghị định này.