Đề xuất tăng mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đề xuất tăng mức hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh đối với cơ sở sản xuất lên 1,25 - 2 lần so với hiện tại.
Những diện tích lúa bị thiệt hại nặng do mưa lũ
Những diện tích lúa bị thiệt hại nặng do mưa lũ

Mức hỗ trợ không bắt kịp biến động của thị trường

Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Theo báo cáo của các địa phương, sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị định, tổng kinh phí đã hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất là 5.210 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ đã góp phần giúp người dân có một phần kinh phí để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, giúp người dân từng bước ổn định đời sống. Tuy nhiên, qua báo cáo của các địa phương và các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ NN&PTNT, khi áp dụng Nghị định đã phát sinh những tồn tại, bất cập về đối tượng hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ… cần có những sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT cho rằng, mức hỗ trợ quy định từ năm 2017, trong khi giá thị trường hiện nay đã biến đổi rất nhiều, do vậy mức hỗ trợ trong nghị định là thấp và không phù hợp với thời điểm hiện tại. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi, hình thức nuôi chưa được quy định trong Nghị định dẫn đến khó khăn trong công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất.

“Mức hỗ trợ với dịch bệnh là cố định trong khi giá thị trường luôn biến động gây khó khăn khi xảy ra dịch do nếu mức hỗ trợ cao hơn so với giá thị trường có thể xuất hiện tình trạng người chăn nuôi không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch làm dịch bệnh lây lan để nhận hỗ trợ; nếu mức hỗ trợ quá thấp so với giá thị trường có thể xảy ra tình trạng giấu dịch, bán chạy gia súc, gia cầm bệnh làm lây lan dịch” – Bộ NN&PTNN cho biết.

Cần tăng mức hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh

Trước thực tế trên, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Bộ NN&PTNN đề xuất nâng mức hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất lên 1,25 - 2 lần so với hiện tại.

Cụ thể, đối với cây lúa, diện tích lúa thuần sau gieo trồng từ 1 đến 10 ngày bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha. Sau gieo trồng từ trên 10 ngày đến 45 ngày bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 5 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 3 triệu đồng/ha. Sau gieo cấy trên 45 ngày bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 8 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 4 triệu đồng/ha; Diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 10 triệu đồng/ha;

Đối với diện tích lúa lai, sau gieo trồng từ 1 đến 10 ngày bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 3 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha. Sau gieo trồng từ trên 10 ngày đến 45 ngày bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 6 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 3,5 triệu đồng/ha. Sau gieo trồng trên 45 ngày bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 9 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 4,5 triệu đồng/ha; Diện tích mạ lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 15 triệu đồng/ha.

Đối với cây trồng lâu năm, vườn cây ở thời kỳ kiến thiết cơ bản bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 8 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 4 triệu đồng/ha; Vườn cây ở thời kỳ kinh doanh, vườn cây đầu dòng ở giai đoạn được khai thác vật liệu nhân giống bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 10 triệu đồng/ha; Cây giống trong giai đoạn vườn ươm được nhân giống từ nguồn vật liệu khai thác từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng: bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 50 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 30 triệu đồng/ha.

Về hỗ trợ đối với nuôi thủy, hải sản, Bộ NN&PTNT đề xuất, diện tích nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 7 triệu – 10 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 4 – 6 triệu đồng/ha.

Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 10 triệu – 18 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 5 triệu – 10 triệu đồng/ha; Diện tích nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 15 triệu – 20 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 10 triệu – 15 triệu đồng/ha. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 40 triệu – 50 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 20 triệu – 30 triệu đồng/ha.

Đối với diện tích nuôi nhuyễn thể bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 50 triệu – 65 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 40 triệu – 45 triệu đồng/ha. Diện tích nuôi cá tra thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 25,5 triệu – 30 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 15 triệu – 20 triệu đồng/ha…

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đề xuất mức hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm; Hỗ trợ đối với sản xuất muối. Đối với các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại chưa được quy định tại Nghị định này, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và yêu cầu thực tế tại địa phương để quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định hỗ trợ đối với gia súc, gia cầm quy định tại điểm b, khoản 4 Điều này của các cơ sở sản xuất tối thiểu 80% giá thị trường tại địa phương và tại thời điểm có dịch bệnh xảy ra nhưng không vượt quá mức quy định tại Nghị định này. Tổng kinh phí xem xét hỗ trợ đối với một cơ sở sản xuất không nhỏ hơn 01 triệu đồng.Trường hợp hỗ trợ bằng hiện vật, mức hỗ trợ được quy đổi tương đương hỗ trợ bằng tiền theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

Đọc thêm