Áp dụng thí điểm không quá 1/3 tổng số trại giam
Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc xây dựng Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới.
Theo dự thảo Nghị quyết, số lượng trại giam được áp dụng thí điểm không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ các nguyên tắc phải đảm bảo khi thực hiện thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, như bảo đảm an toàn; phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tái hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù; phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự...
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình tại phiên họp. |
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho biết, việc đề xuất áp dụng thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là phù hợp với chủ trương, định hướng cải cách tư pháp; không trái với quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, các nội dung quy định về việc thí điểm trong dự thảo Nghị quyết cơ bản đã bảo đảm thực hiện thống nhất, đầy đủ chế độ quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo và các chế độ, chính sách khác đối với phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các luật có liên quan.
Quy định chặt chẽ tiêu chí lựa chọn các trại giam được thí điểm
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) bày tỏ tán thành cao với đề nghị ban hành Nghị quyết của QH thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Theo đại biểu, việc làm này là rất cần thiết, không chỉ đối với việc cải tạo phạm nhân mà còn cho việc tái hòa nhập cộng đồng sau này. “Trung bình, mỗi năm có khoảng 46.000 phạm nhân trong độ tuổi lao động ra trại, cho thấy nhu cầu tìm việc làm rất lớn. Nếu không tổ chức tốt việc lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân thì sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm và họ dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn”, Đại biểu phân tích.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đã tổ chức thí điểm bước đầu cho phạm nhân lao động ngoài trại giam để làm cơ sở báo cáo với QH. “Nhiều phạm nhân từ chỗ không biết làm nghề gì đã có tay nghề vững vàng, nhiều phạm nhân đã được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm ngay sau khi ra trại”, Đại biểu Thủy cho hay.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - đoàn Bắc Kạn phát biểu. |
Cũng bày tỏ đồng tình với việc thực hiện thí điểm mô hình lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị cân nhắc, quy định rõ việc trả công lao động cho phạm nhân tham gia lao động ngoài trại giam. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đề nghị thu gọn phạm vi thí điểm ở 10% số trại giam của Bộ Công an. Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn TP Hà Nội) lại cho rằng không nên giới hạn số trại giam mà căn cứ theo năng lực của trại giam để thực hiện thí điểm.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đề nghị cần quy định chặt chẽ tiêu chí lựa chọn các trại giam được thí điểm để vừa đảm bảo các yêu cầu về an ninh, an toàn giam giữ, quản lý phạm nhân; vừa tạo điều kiện cho phạm nhân có cơ hội cải tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo tiền đề cần thiết để họ tái hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất. “Tuy thực hiện thí điểm nhưng cũng phải tính toán, dự tính, lường trước phần nào những phát sinh có thể xảy ra trong thực tiễn, tránh hiện tượng tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện”, Đại biểu nói.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu tại phiên họp, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay, để phù hợp với trình độ phạm nhân, ngành nghề được tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân là các ngành nghề phổ thông, có tính tương đồng với mặt bằng chung của xã hội; ưu tiên các ngành nghề sản xuất các hàng hóa tiêu thụ trong nước.
Đối với ý kiến đại biểu QH về việc cấp chứng chỉ dạy nghề cho phạm nhân, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay, với yêu cầu tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, khó có thể cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ cho phạm nhân. “Mục đích chính của mô hình này là chỉ tổ chức môi trường lao động, đào tạo, dạy và rèn nghề thường xuyên, nhằm đảm bảo tính tiếp cận, thực hành nghề được liên tục, sát với các yêu cầu thực tiễn của xã hội”, Bộ trưởng Công an khẳng định.