Đêm gầy bóng cha

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Khách ở quê vào chơi là một lão nông nên dứt khoát không chịu ngồi taxi buộc ông chủ nhà phải trịnh trọng đón bằng xe máy.
Đêm gầy bóng cha

Tuy hắn gọi lão, vì người đó đã 63 nhưng thực tình thì không lão chút nào. Tóc chỉ mới vài sợi bạc, giọng nói còn trai tráng lắm. Rôm rả chuyện quê, chuyện bà con họ mạc, bác bảo “ngày xưa ông Hi văn “đạc ngựa bò vàng”, hôm nay, anh nào kém gì cũng cưỡi bò đi thăm anh em, bạn bè thân hữu hơn hai tuần nay”.

Sợ hắn không hiểu, bác vỗ vào ống quần, tiền cất trong túi đây. Hai năm chăm bẵm một con bò, nó thưởng cho mình 30 triệu và đi. Lên xe, mới gọi điện cho mẹ con, bà cháu biết, không phiền ai cả.

Con trai bác học xong cái bằng cử nhân luật, lập nghiệp ở Hà Nội. Bác bảo mình nghèo không có tiền nhiều cho con, nên quà cho con chính là cả cuộc đời mình. Ngày dâu sinh con, đẻ cháu được bà ẵm bồng, để con yên tâm công tác, phấn đấu, anh trao “báu vật đời mình” cho con, cho cháu. Ý bác nói là người vợ yêu quý của bác, một lão nông mà gọi vợ được như vậy thì khối gã trai thành thị ngày nay cũng phải đỏ mặt xem lại mình.

Những năm tháng vắng vợ đó, bác mới 50, ở lại quê với gần chục sào ruộng lúa, đàn heo, bò, gà vịt nhà cửa vườn tược. Những con số mà mới chỉ nghe, hắn đã phát hoảng vì không hiểu có một thân một mình thì làm sao bác kham nổi. Ấy vậy mà tuy có thừa nhận là “vất lắm”, nhưng bác lại bảo cái chính là mình biết sắp xếp công việc và trời cho sức khỏe thì mọi việc cũng đâu vào đấy cả. Bà con họ hàng ái ngại nói điều kia, tiếng nọ, nhưng bác dứt khoát bảo với con “việc này cha tự nguyện, khi nào cha lên tiếng, lời đó mới có ý nghĩa, con đừng để tâm lời thiên hạ”.

Gia đình con trai bác sống ở Hà Nội nhưng quanh năm ăn gạo quê, rau vườn, trứng gà nhà. Hàng nhà, sạch từ công chăm bón, đến công gói ghém gửi, nương níu, vấn vít tình quê. Của một đồng, công muôn nén, nên cả người gửi lẫn người nhận lòng đều an vui vô hạn.

Bà thương con cháu còn bộn bề nên dù thương ông cũng chỉ một năm về nhà vài ba lần vào dịp giỗ, tết. Ông bao năm chay tịnh để cho bà trọn lòng thương cháu, yêu con. “Ừ thì người ta nói cấm có sai ngày có dâu, ta mất con, ngày có cháu, ta xa vợ là vậy. Cũng là muôn nẻo nước mắt chảy xuôi” – bác tự an ủi mình trong nhưng đêm sâu trằn trọc. Nhà lại có thêm cháu nhỏ, không biết bao giờ bà mới về quê…

Bác nói trong vẻ an nhiên của người đi qua nhọc nhằn, nhận về hoa quả ngọt lành, thấu cảm được niềm hạnh phúc.

Theo dòng kể của bác với hắn, “con trai anh đã hoàn thành chương trình thạc sĩ công tác ở chỗ nọ, chỗ kia, nay giữ chức phó giám đốc, con dâu anh..., cháu anh…”. Chất Nghệ - trọng chữ và thương con đến độc đoán - đặc quánh ở con người bác.

Người quê là thế, nuôi con ăn học, mong con neo đậu làm người phố phường không chỉ nắng sương vai mẹ, mà còn đêm gầy bóng cha.

Nay gửi lại công việc ruộng vườn phiêu diêu trời xanh mây trắng thênh thang bác nhé. Kính bác đôi dòng thay cho lời tiễn biệt!

Đọc thêm