Đền của Nhà nước, nhận làm của riêng (?!)

Đã hết hạn được chính quyền giao cho quản lý di tích Quốc gia đền Chợ Củi, nhưng gia đình ông Nguyễn Sỹ Quýnh không chịu bàn giao lại đền cho Nhà nước, mặc cho địa phương nhiều lần vận động khiến hơn 5 tháng nay, tiền công đức của du khách đến cúng đều bị bỏ túi riêng khiến dư luận bất bình…

Đã hết hạn được chính quyền giao cho quản lý di tích Quốc gia đền Chợ Củi, nhưng gia đình ông Nguyễn Sỹ Quýnh không chịu bàn giao lại đền cho Nhà nước, mặc cho địa phương nhiều lần vận động khiến hơn 5 tháng nay, tiền công đức của du khách đến cúng đều bị bỏ túi riêng khiến dư luận bất bình…

Đông đảo du khách đến thắp hương, tham quan tại đền Chợ Củi.

Chính quyền buông lỏng quản lý

Theo điển tích, đền Chợ Củi được xây dựng từ triều Lê. Ban đầu đền là nơi thờ Thánh Mẫu (Liễu Hạnh công chúa), sau còn được phối thờ ông cung Hoàng Mười. Do quan niệm dân gian, Hoàng Mười là vị thần linh thiêng được thờ ở đây nên đền còn có tên gọi Ðền Hoàng Mười. Trải qua hàng trăm năm với những biến động của lịch sử, thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh tàn phá, song kiến trúc của đền Chợ Củi vẫn được giữ nguyên trạng thái ban đầu.

Năm 1993, đền Chợ Củi được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia, sau đó được Nhà nước hỗ trợ kinh phí trùng tu và xây kè chắn bờ sông Lam phía trước cổng đền vào các năm 1995 và 1999 bằng Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa. Năm 2001, theo Quyết định số 1706/2001/QÐ-BVHTT và chủ trương của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTT&DL), cũng như các địa điểm sở văn hóa tâm linh khác trong tỉnh, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở VHTT&DL) Hà Tĩnh đề nghị UBND huyện Nghi Xuân và giao UBND xã Xuân Hồng chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động của Ðền Chợ Củi.

Do việc quản lý và bảo vệ nguồn tiền công đức tại di tích có một số khó khăn nên UBND xã Xuân Hồng đã giao cho gia đình ông Nguyễn Sỹ Quýnh (thủ nhang Ðền Chợ Củi) quản lý và bảo vệ. Ngày 1/1/2011, UBND xã Xuân Hồng ký hợp đồng kinh tế không số cho gia đình ông Quýnh quản lý, thu lệ phí và tiền công đức đến ngày 31/12/2011 với mức khoán 420 triệu đồng/năm. Tuy nhiên đến nay, mặc dù đã hết thời hạn được giao, nhưng gia đình ông Quýnh vẫn không chịu bàn giao sự quản lý và bảo vệ đền Chợ Củi cho chính quyền như biên bản đã ký, với lý do “Ngôi đền thờ Thánh Mẫu của dòng họ Nguyễn chúng tôi”.

Tại Báo cáo số 146/SVHTT&DL tỉnh Hà Tĩnh đã khẳng định: “Đây là một điều hoàn toàn không có căn cứ”. Việc UBND xã Xuân Hồng khoán trắng công tác quản lý đền và thu tiền công đức như thời gian qua cho cá nhân (ông Quýnh) là không phù hợp quy định, trái với Luật Di sản. Thêm vào đó, gia đình ông Quýnh nhận ngôi đền là của gia đình ông nhưng lại không hề có giấy tờ hay tài liệu nào chứng minh ngôi đền là của gia đình họ Nguyễn xây dựng lên.

Do địa phương và cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, nên một thời gian dài đã xảy ra một số sai phạm tại khu di tích này và không được xử lý triệt để. Gia đình ông Quýnh đã tự ý xây nhà, lấn chiếm vào diện tích khu vực đã được khoanh vùng bảo vệ của đền. Ðược biết, nguồn tiền công đức do khách du lịch tham quan di tích và tiền công đức đóng góp hằng năm bị sử dụng sai mục đích, không được đưa vào đầu tư tôn tạo, tu bổ dẫn đến di tích ngày càng xuống cấp.

Tuy nhiên, trong đơn đề nghị ngày 12/3/2011 của ông Quýnh có nói gia đình ông đã nhiều lần đề nghị xin được tu sửa đền bằng nguồn công đức. Nhưng tại báo cáo của Sở VHTT&DL kết luận: Không biết gia đình ông đã gửi đơn đến cơ quan nào, nhưng đến nay Sở VHTT&DL - cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về Di sản văn hóa trên địa bàn toàn vẫn chưa một lần nhận được đơn đề nghị bằng văn bản (!).

Đền Chợ Củi lâu nay không hề được tu sửa, nhiều chỗ đã xuống cấp.
Cần sớm giải quyết dứt điểm tranh chấp

Là một địa điểm được nhiều khách du lịch đến tham quan, gần đây số lượng khách du lịch tăng cao nên đã xảy ra tình trạng quá tải, gây lộn xộn, mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, nạn “cái bang” hoành hành du lịch. Thanh tra ngành Văn hóa đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt, nhưng đâu lại vào đấy. Ngành Văn hóa cũng đã nhiều lần làm việc với chính quyền địa phương yêu cầu phải đổi mới mô hình quản lý di tích Ðền Chợ Củi, chấm dứt việc khoán nguồn thu công đức cho tư nhân.

Đầu năm 2011, Cty cổ phần Tập đoàn đầu tư Thăng Long (Hà Nội) tự nguyện cam kết đóng góp bằng nguồn của doanh nghiệp và huy động các nguồn hợp pháp khác tiến hành các thủ tục để thực hiện dự án đầu tư tôn tạo di tích đã được tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt. Sáng 2/1/2012, đơn vị thi công do Ban Quản lý di tích Ðền Chợ Củi tập kết nguyên vật liệu để xây dựng phòng làm việc thì bị gia đình ông Quýnh cùng hàng chục người ngăn cản. Trước đó, ngày 30/6/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Văn bản số 2115/UBND chuyển chủ đầu tư cho Sở VHTT&DL Hà Tĩnh. Ngày 11/11/2011, chủ đầu tư phối hợp với UBND huyện Nghi Xuân tổ chức họp và mời đại diện gia đình ông Quýnh để quán triệt, thống nhất phương án quản lý di tích.

“Trước đây, đã nhiều lần các ngành đoàn thể, chủ tịch UBND huyện,Công an huyện, tỉnh, Sở Văn hóa,UBND xã… có nhiều cuộc đối thoại với dân nhưng người dân vẫn chưa đồng ý. Hiện nay, đang thực hiện theo chỉ đạo mới nhất của Bí thư Huyện ủy chuẩn bị tài liệu, trực tiếp Bí thư Huyện ủy sẽ có buổi gặp mặt và đối thoại trực tiếp với các hộ dân, đặc biệt là gia đình ông Quýnh về vấn đề đền Củi”, ông Nguyễn Xuân Hường - Trưởng Phòng VH-TT&DL huyện Nghi Xuân cho hay.

Được biết, ngày 6/3/2012, Đoàn Thanh tra Bộ VHTT&DL cùng Sở VHTT&DL tỉnh đã có buổi làm việc, kiểm tra tình đền Chợ Củi, chỉ đạo phải tập trung tuyên truyền và vận động nhân dân và hộ ông Quýnh hiểu rõ luật Di dản, Nhà nước trực tiếp quản lý là để đầu tư cho di tích này ngày khang trang hơn, to đẹp hơn đồng thời chấn chỉnh lại các hoạt động tại Đền và tổ chức lễ hội du lịch hàng năm, nhằm thu hút du khách đến đây ngày càng đông hơn. Tuy là Nhà nước quản lý, nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, kinh doanh dịch vu và thực hiện việc tâm linh của mình…

Nhiều du khách tham quan thắp hương tại đây đóng góp tiền công đức

Ông Nguyễn Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân - cho biết: “Chính quyền đã có nhiều biện pháp để tuyên truyền vận động phía gia đình bàn giao lại sự quản lý đền cho chính quyền nhưng gia đình ông Quýnh vẫn chưa đồng ý. Tới đây, Huyện ủy, UBND huyện và các phòng ban ngành tiếp tục vận động, đối thoại trực tiếp với gia đình để gia đình hiểu rõ hơn, bàn giao đền theo đúng quy định”.

Câu chuyện trên khiến cho hơn 5 tháng nay tiền công đức của người dân thập phương đến thắp hương, tham quan đóng góp đã “rơi” vào túi cá nhân khiến dư luận bức xúc. Thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân và các ban ngành sớm có giải pháp xử lý dứt điểm nhằm đảm bảo sự lành mạnh cho di tích này.

Nhóm PV Bắc miền Trung

Đọc thêm