Đến Hội An mà chưa chụp ảnh ở những điểm này thì coi như chưa đến

(PLVN) - Ở Hội An, cứ giơ máy lên là bạn sẽ có một khung hình tuyệt đẹp. Nhưng nếu không đến những điểm dưới đây để lưu lại những bức ảnh thì thật là thiếu sót.

Chùa Cầu - Đến Hội An mà không ghé qua chùa Cầu chụp ảnh với phong cách kiến trúc cổ độc đáo thì thật là thiếu sót. Chùa Cầu là địa danh bắc ngang con lạch chảy ra sông Thu Bồn giáp ranh giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây là cầu cổ duy nhất còn lại ở Hội An - cầu “Lai Viễn”. Cầu được người Hội An quen gọi là chùa Cầu, một di tích quen thuộc đã trở thành biểu tượng của đô thị Hội An.

Phố đèn lồng lung linh sắc màu sẽ là back-ground hoàn hảo cho những bức ảnh sống ảo.

Có thể nói hình ảnh những chiếc lồng đèn lung linh rực rỡ sắc màu là hình ảnh gắn liền với đô thị cổ - di sản văn hóa thế giới Hội An. Hầu như khắp phố cổ nhà nào cũng treo đèn lồng, nhất là các nhà hàng, khách sạn, vừa để trang trí, vừa để thắp sáng, tạo nên hồn phố cổ Hội An.

Đèn lồng được bày bán ở nhiều nơi, nhưng du khách vẫn thích nhất là khu phố Nguyễn Phúc Chu ven sông Hoài. Đây là nơi tập trung nhiều cửa hàng bán đèn lồng nhất, với vô vàn mẫu mã, màu sắc. Khi màn đêm buông xuống, hàng trăm ngàn chiếc đèn lồng rộn ràng đua nhau thắp sáng cả dãy phố, tạo nên những vệt màu đẹp mắt trên mặt nước. Bạn sẽ ngỡ như mình lạc vào buổi dạ tiệc của ánh sáng.

Chính giữa đường còn có những gian hàng bán đồ lưu niệm san sát nhau, tạo nên một khu chợ đêm nhộn nhịp.

Nằm bên dòng sông Thu Bồn Thanh bình, làng gốm Thanh Hà với hơn 500 năm hình thành và phát triển đã làm nên tên tuổi một vùng đất.

Khám phá làng Thanh Hà du khách không chỉ được hoà mình trong không gian làng quê mộc mạc, thanh bình mà còn được tha hồ lựa chọn những món quà lưu niệm cho người thân và bạn bè hay trải nghiệm tự tay làm ra những sản phẩm gốm độc đáo. Đồ gốm Thanh Hà đặc biệt bởi được làm từ loại đất sét màu nâu, đặc, dẻo và có độ kết dính cao. Cũng chính vì lẽ đó, khi đi dọc phố cổ Hội An bạn sẽ thấy màu chủ đạo là nâu, vàng, đỏ thẫm… Đó là màu đất, màu gỗ và cũng là màu mái ngói được làm từ làng gốm.

Nhà cổ Tấn Ký được mệnh danh là ngôi nhà cổ đẹp nhất Hội An, sở hữu kiến trúc độc đáo và còn lưu giữ rất nhiều cổ vật quý giá, trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, thưởng lãm.

Nhà cổ Tấn Ký ở Hội An được xây dựng từ thế kỷ 18 đến nay đã hơn 200 năm tuổi, được bảo tồn nguyên vẹn qua 7 thế hệ gia đình họ Lê. Năm 1985, lịch sử nhà cổ Tấn Ký có thêm điểm nhấn là Di tích cấp quốc gia.Kiến trúc nhà cổ Tấn Ký theo kiểu hình ống đặc trưng của phố cổ Hội An, bên trong chia nhiều gian với chức năng riêng và không có cửa sổ hai bên, thế nhưng không có cảm giác ngột ngạt nhờ sự thông thoáng ở mặt tiền, mặt hậu và giếng trời. Mặt tiền mở cửa hiệu buôn bán. Mặt hậu thông với bến sông để xuất nhập hàng hóa. Giếng trời tận dụng tối đa ánh sáng và không khí vào nhà. Mái lợp ngói âm dương, mát mẻ về mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

Lò gạch cũ Duy Vinh - mới nổi vài năm trở lại đây thôi nhưng địa điểm này rất nên có trong lịch trình với khung cảnh rực rỡ khi hoàng hôn buông. Lò gạch cũ nằm trong khuôn viên của farm có tên Lò gạch cũ. người chủ khai thác mô hình cafe ở lò gạch này.

"Một cánh đồng, một lò gạch, cùng chút thiết kế duyên dáng nữa là ra một view cafe đẹp xao xuyến." - facebooker Mai Mai viết về lò gạch này.

Rừng dừa Bảy Mẫu - không cần tới miền Tây sông nước, tại Hội An bạn cũng có thể thỏa thích sống ảo với rừng dừa xanh mướt mát.

Khu du lịch rừng dừa Bảy Mẫu, hay còn gọi là rừng dừa Cẩm Thanh là điểm đến hoàn toàn mới mẻ ở Hội An, chỉ cách phố cổ chừng 3km.

Khu du lịch rừng dừa Bảy Mẫu Hội An trước đây được biết đến khu căn cứ địa cách mạng của quân dân trong kháng chiến. Cũng nhờ địa hình kín đáo mà kể từ thời kháng Pháp, dân ta đã tổ chức nhiều trận phục kích đánh bại nhiều trận càn của địch. Giờ đây, tận dụng vẻ đẹp của rừng dừa, người dân địa phương đã “sáng tạo” nên một cách làm du lịch hoàn toàn mới, đó là chở khách đi chơi bằng thúng, bằng thuyền. Đó cũng là điều mà ai khi đến đây cũng đều phải trầm trồ.

Những con hẻm nhỏ được coi như hồn của Hội An. Con hẻm là nơi lưu giữ thời gian và những ký ức về Hội An. Một con hẻm là một đời người, chỉ nhìn thấy sắc rêu phong trên tường vàng ấy, là những đốm xanh phủ dọc theo bức tường vàng là bạn đã đủ biết được thời gian những con hẻm này xuất hiện lâu đến bao nhiêu.

Sông Hoài là một nhánh của sông Thu Bồn chảy qua Hội An. Với người dân nơi đây nói riêng và du khách nói chung, con sông này như biểu tượng không thể tách rời của phố cổ. Không chỉ vậy, dòng sông nhỏ hiền hòa này còn gắn liền với cuộc sống mưu sinh của dân cư phố Hội. Nghề chính của họ là chèo thuyền, đưa khách du lịch tham quan.

Những ngôi nhà với giàn hoa giấy hồng rực rỡ là một phần không thể thiếu của Hội An