Ngày 15/10, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương chủ trì Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.
Cho ý kiến vào Đề án "Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam", các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản nhất trí việc xây dựng Tòa án điện tử nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng xét xử, thực hiện công khai, minh bạch, nâng cao niềm tin của nhân dân vào công lý, tiết kiệm thời gian, chi phí và thực hiện các cam kết quốc tế đến năm 2025 Việt Nam có Tòa án điện tử.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc xây dựng Tòa án điện tử là tiến bộ lớn và phù hợp với sự thay đổi của xã hội và xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, Đề án cần nêu rõ hơn phạm vi các loại vụ án xét xử trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời bổ sung các giải pháp không để lợi dụng công nghệ thông tin để tác động đến bản chất vụ án và xâm phạm quyền con người, quyền công dân, cũng như lộ trình bổ sung, sửa đổi pháp luật, để đến năm 2025 áp dụng hoàn toàn về tòa án điện tử ở Việt Nam.
Đối với Đề án xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chủ tịch nước cho biết, hiện ASEAN đã có 9 nước ban hành, thực thi Luật Tư pháp người chưa thành niên. Do đó, Việt Nam cần sớm xây dựng dự án Luật này để tăng cường bảo vệ quyền của trẻ em dù đó là trẻ em vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao phải nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ khi xây dựng dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên này, nhất là sửa đổi, bổ sung một số bộ luật, luật có liên quan./.