Đèo Cả chủ động mời kiểm toán để minh bạch dự án

(PLO) - Tất cả các ý kiến đều đồng tình việc Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện việc kiểm toán đối với hoạt động của một doanh nghiệp, một dự án (DA) là đúng quy định pháp luật nhằm minh bạch DA. Thế nhưng việc gần đây một số phương tiện truyền thông thông tin kết quả kiểm toán không đúng với tinh thần của KTNN hoặc thông tin chỉ có mặt hạn chế, điều này một số nhà đầu tư (NĐT) cho rằng họ bị làm khó, hoặc ảnh hưởng không tốt đến doanh nghiệp, DA của họ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Lễ thông hầm Đèo Cả

Nên thông tin khách quan cả mặt hạn chế lẫn tích cực!

Một NĐT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông chia sẻ: Hiện nay việc đầu tư các DA theo mô hình công - tư ở nước ta phải đối diện với nhiều khó khăn về nguồn vốn, cơ chế chính sách thường thay đổi, quan điểm sử dụng dịch vụ đường sá, trào lưu đeo bám và bình luận không hay những sự việc chưa chính xác… Đặc biệt vấn đề kiểm tra, giám sát trước quá trình quyết toán DA thường có những thông tin sai lệch khác nhau, sẽ gây hiểu nhầm và ảnh hưởng trực tiếp đến NĐT, đến môi trường đầu tư.

Bỏ lại sau lưng những khó khăn thử thách đó, các NĐT đã hết sức cố gắng, dốc toàn tâm toàn lực để thực hiện DA đúng quy định pháp luật, minh bạch, đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, cho ra đời nhiều công trình có ý nghĩa xã hội, nhân văn lớn hơn cả lợi ích kinh tế! Doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động xoay sở nguồn vốn trong nước để tránh việc Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài làm tăng trần nợ công, đảm bảo ngoại tệ không bị chảy ra nước ngoài do DA sử dụng toàn bộ nguồn lực trong nước. Ngoài ra mỗi DA lớn còn tạo ra hàng ngàn việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách cho địa phương…

Tuy nhiên, ngoài những mặt thành công, những điểm tích cực khi thực hiện DA – nhất là những DA lớn thì NĐT cũng không sao tránh khỏi những hạn chế. Việc một số phương tiện truyền thông dựa vào kết quả KTNN để nâng cao quan điểm, chỉ thông tin một chiều về những hạn chế của DA thì không đúng với thực tế khách quan, làm cho dư luận hiểu nhầm về bản chất của một doanh nghiệp, gây bất lợi cho NĐT cũng như DA đó! Vì kết quả của KTNN chỉ là kết quả tạm tính, khuyến nghị để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cùng NĐT phối hợp với nhau để thống nhất số liệu chính thức.

Mặt khác, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban PPP (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết: "Tổng mức đầu tư chỉ là kinh phí dự toán của DA làm cơ sở để NĐT lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình, chứ không phải là giá trị cuối cùng để xác định thời gian thu phí hoàn vốn DA. Theo quy định trong các hợp BOT, sau khi DA hoàn thành, giá trị quyết toán mới là giá trị để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và NĐT ký kết hợp đồng xác định thời gian hoàn vốn". 

Cần phải khẳng định thêm rằng: Kết quả KTNN đối với DA là một trong nhiều cơ sở để NĐT thực hiện quyết toán với nhà thầu thi công DA; làm việc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phê duyệt quyết toán DA; điều chỉnh phương án tài chính để xây dựng kế hoạch hoàn vốn cho DA.

Theo quan điểm của một CEO đầu tư hạ tầng giao thông ở nước ta, ngoài sự tuân thủ quy định pháp luật, tâm huyết, năng lực của NĐT, thì sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và cả các cơ quan truyền thông sẽ tạo nên sự thành công lớn cho một doanh nghiệp, một DA! Từ đó, doanh nghiệp sẽ gắn kết với cộng đồng hơn, có trách nhiệm với xã hội hơn và mạnh dạn đầu tư hơn.

Ngày 9/2/2017, tại cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị lần 2 của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển Doanh nghiệp cho rằng tinh thần phát triển doanh nghiệp không chỉ là “hỗ trợ, tháo gỡ” nữa, mà phải là tạo thuận lợi thương mại cho đầu tư, kinh doanh, phù hợp với mong muốn chi phí sản xuất thấp, ít rủi ro về pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đèo Cả chủ động mời kiểm toán nhà nước vào!

DA Hầm đường bộ qua Đèo Cả (DA Đèo Cả) là DA trọng điểm Quốc gia do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (Cty Đèo Cả) làm chủ đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) với vốn đầu tư ban đầu là 15.603 tỷ đồng. Sau khi nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế, DA Đèo Cả đã tiết giảm được 4.225 tỷ đồng, số tiền này được tiếp tục đem đầu tư vào DA Hầm đường bộ Cù Mông.

DA Đèo Cả có lẽ là DA nhận được sự quan tâm đặc biệt nhất của nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trong bộn bề công việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã dành thời gian quý báu đến thăm hiện trường và chỉ đạo sát sao để DA được thi công an toàn, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Hiện nay, khoảng 3.000 kỹ sư, công nhân đang ngày đêm làm việc hối hả để dự kiến tháng 7 năm nay DA đưa vào sử dụng.

Điều đặc biệt của DA này là NĐT đã chủ động mời KTNN vào kiểm toán để DA được công khai, minh bạch, xác định số liệu sai lệch (nếu có) để điều chỉnh. Ông Lê Quỳnh Mai – Phó Tổng Giám đốc Cty Đèo Cả cho biết: “Chúng tôi chủ động mời KTNN vào, nếu phát hiện vấn đề gì thì kiểm toán khuyến nghị để chúng tôi làm cho chính xác, cho tốt hơn, như thế mới yên tâm triển khai tiếp. Cty Đèo Cả khẳng định rằng quyết toán DA phải gắn liền với hoạt động kiểm toán”.

Vì Cty Đèo Cả thấy tầm quan trọng của việc cần thực hiện kiểm toán, quyết toán DA trước khi tiến hành thu phí, để chuẩn xác giá trị đúng theo thực tế triển khai, và tạo cơ sở để Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quyết toán DA sau này, xác định thời gian cụ thể thu phí hoàn vốn, nên ngày 25/5/2016 Cty Đèo Cả chủ động gửi Văn bản số 526/2016/DC đề nghị KTNN bổ sung kiểm toán toàn bộ DA vào kế hoạch kiểm toán năm 2016. KTNN đã thực hiện việc kiểm toán tại DA  Đèo Cả từ ngày 3/10/2016 đến ngày 1/12/2016, và đã hoàn thành Báo cáo kiểm toán DA Đèo Cả (phần BT) vào ngày 20/1/2017.

Có thể khẳng định rằng, DA Đèo Cả là một điểm sáng, là mô hình thành công về đầu tư hạ tầng giao thông bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đây là công trình có quy mô lớn, phức tạp được thực hiện bởi người Việt Nam, nguồn vốn hoàn toàn trong nước.

Do vậy, khi đến thăm DA Đèo Cả ngày 27/8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khen ngợi: “Đây là công trình đường hầm đầu tiên do chính người Việt Nam làm, việc làm hầm xuyên núi là rất khó khăn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật và tay nghề cao, nhưng đội ngũ cán bộ kỹ sư và công nhân Việt Nam thể hiện sự trưởng thành rất lớn, đã hết sức nỗ lực thực hiện DA này an toàn, rút ngắn tiến độ. Đặc biệt DA này được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa nên đã không làm tăng thêm nợ công, lại còn tiết giảm hơn 4.200 tỷ đồng là rất đáng biểu dương”.

Thành công của DA Đèo Cả là thành công của tập thể những người có tâm huyết, có tri thức, có chiến lược đúng đắn, chấp nhận thử thách và khát vọng lớn. Đó cũng chính là thành công và niềm vui chung của mọi người Việt Nam. Hy vọng rằng, Cty Đèo Cả sẽ vững tin vươn tới những chân trời, những tầm cao mới.

Đọc thêm